DIỄN ĐÀN: MỘT SỐ VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT

25/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiều ngày 23/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn “Một số vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan đến doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 và giải pháp hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật” trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự của 29 đại biểu tại hội trường và 115 đại biểu theo dõi trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Thanh Tú đã khái quát một số chính sách, giải pháp cụ thể mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… đã ban hành trong thời gian qua nhằm ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021). Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Thanh Tú tiếp tục nêu ra một số tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19 và những trường hợp cụ thể tranh chấp phát sinh từ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nước, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa doanh nghiệp với người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như quy định về xử lý vi phạm hành chính, thi hành án dân sự; sự chưa thống nhất giữa quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm với các Luật khác (Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp) về việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, thẩm quyền, nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp như Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp nhưng lại không quy định các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp… Ông Nguyễn Thanh Tú hy vọng các đại biểu dự Diễn đàn sẽ tích cực trao đổi, thảo luận về các vấn đề vướng mắc, khó khăn pháp lý trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nền kinh tế và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
 


Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày một số tham luận như:

- “Hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và một số vướng mắc pháp lý  liên quan cần tháo gỡ”, được trình bày bởi Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- “Quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 126/NQ-CP)
– Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị”, được trình bày bởi Ông Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

- “Một số vấn đề vướng mắc liên quan xử lý vi phạm hành chính trong bối cảnh COVID-19 và hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp”, được trình bày bởi Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật; Bộ Tư pháp;
 

- “Các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước trong đại dịch COVID-19 và một số vướng mắc từ góc độ pháp lý”, được trình bày bởi Bà Đỗ Thị Trà Linh – Phó Trưởng ban Tín dụng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- “Rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu thủ tục và chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trước tác động của đại dịch COVID-19”, được trình bày bởi Ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10;

- “Một số khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực pháp luật dược trong bối cảnh dịch Covid-19 và giải pháp hoàn thiện pháp luật”, được trình bày bởi Ông Nguyễn Sơn Hải – Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp;

- “Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự trong bối cảnh dịch Covid-19 - Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất”, đượcc trình bày bởi bà Nguyễn Thanh Xuân, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp. 

Qua đó, các đại biểu cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Diễn đàn:



 

.














Gửi kèm theo tài liệu tại Diễn đàn./.

File đính kèm:

Xem thêm »