Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 làm việc với Văn phòng Chương trình ngày 02/11/2021

04/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 02/11/2021, Đ/c Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Chương trình) đã có buổi làm việc với Bộ phận giúp việc Ban Quản lý Chương trình (sau đây gọi là Văn phòng Chương trình) về tình hình triển khai các hoạt động năm 2021 của Chương trình đến thời điểm hiện tại. Tham dự buổi làm việc có tập thể Phòng Pháp luật lao động, an sinh xã hội và Tổng hợp, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (8/9 đồng chí) và Bộ phận Kế toán Chương trình, bao gồm: Đ/c Nguyễn Diễm Hương, Kế toán trưởng và Đ/c Vũ Thị Hải Yến, Kế toán viên Chương trình. Sau khi nghe báo cáo của Văn phòng Chương trình, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Đ/c Nguyễn Thanh Tú – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình đã kết luận như sau:

1. Về kết quả hoạt động
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc triển khai các hoạt động của Chương trình còn gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, Văn phòng Chương trình đã có một số cố gắng và đạt được một số kết quả nhất định, như: trình Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình ký ban hành Quy chế chi tiêu tài chính và Quy chế làm việc của Ban Quản lý Chương trình; hoàn thiện thủ tục 04 gói thầu (“Kinh doanh và pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; "Xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Đài truyền hình"; “Xây dựng bài giảng điện tử bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”).
Tuy nhiên, đề nghị Văn phòng Chương trình cần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất kịp thời, chính xác với Ban Quản lý Chương trình để đảm bảo hoàn thành Kế hoạch năm 2021, đúng quy định pháp luật và các Quy chế của Ban quản lý.
2. Về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới
Trên cơ sở những kết quả mà Văn phòng Chương trình đã đạt được cũng như một số hạn chế trong thời gian qua, Đ/c Nguyễn Thanh Tú – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình đề nghị Văn phòng Chương trình tiếp tục cố gắng, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
2.1. Về việc theo dõi công việc, mẫu hóa hồ sơ
a) Trên cơ sở Bảng theo dõi đã được xây dựng, đề nghị các thành viên Văn phòng Chương trình được giao chủ trì nhóm hoạt động nào, chủ động cập nhật kết quả thực hiện và gửi lại Đ/c Phan Vũ để làm bảng theo dõi chung. Giao Đ/c Phan Vũ hoàn thiện Bảng theo dõi chung (với 15 đầu công việc) ngay sau cuộc họp Ban Quản lý với Văn phòng Chương trình và cập nhật thuờng xuyên để tổ chức triển khai, giám sát theo đúng quy định.
b) Văn phòng Chương trình cần mẫu hóa hồ sơ, tài liệu của 1 gói thầu cụ thể, 1 hoạt động của Ban Quản lý Chương trình tổ chức thực hiện… để tiết kiệm thời gian, công sức; đảm bảo tính khoa học trong xử lý công việc.
2.2. Về triển khai các nhóm hoạt động cụ thể
a) Về nhóm hoạt động 10 gói thầu đang triển khai: Các thành viên Văn phòng Chương trình được giao là đầu mối xử lý các công việc, tiếp tục bám sát nội dung công việc, tiến độ công việc được giao để đẩy nhanh các hoạt động, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo để kịp thời xử lý (nếu có). Các cán bộ được giao đầu mối cần bám sát thường xuyên theo tiến độ, quy trình, hồ sơ, tài liệu mẫu; các nội dung trình duyệt và thực hiện sau khi ký Hợp đồng đề nghị đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Ban Quản lý Chương trình, các kết quả cần kịp thời đăng tải lên Trang tin hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp và youtube... theo yêu cầu. Đối với mỗi gói thầu, đề nghị:
+ Gói thầu “Kinh doanh và pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam: Đề nghị Văn phòng Chương trình theo dõi việc tổ chức thực hiện, đảm bảo đơn vị nhận thầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, theo đúng thỏa thuận của hai bên trong Hợp đồng và phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Gói thầu "Xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Đài truyền hình" và gói thầu “Xây dựng bài giảng điện tử bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”: Đề nghị Văn phòng Chương trình rà soát kỹ chủ đề theo đúng nội dung Hợp đồng đã thỏa thuận, trong đó, các chủ đề được chọn phải gắn với các vấn đề pháp lý trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.
+ Các gói thầu còn lại: Đề nghị Văn phòng Chương trình rà soát tiến độ thực hiện (trình duyệt kế hoạch xây dựng, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, thương thảo hợp đồng…) để đảm bảo triển khai đúng tiến độ.
Lưu ý, đối với các gói thầu đã có kinh nghiệm thực hiện ở Chương trình giai đoạn trước, đề nghị Văn phòng Chương trình có giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế gặp phải ở giai đoạn trước; còn các gói thầu mới, đề nghị Văn phòng Chương trình nghiên cứu kỹ đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp quy định của pháp luật.
b) Nhóm hoạt động do Ban Quản lý Chương trình chủ trì thực hiện
Đối với 03 Tọa đàm do Ban Quản lý Chương trình chủ trì thực hiện (dự kiến tổ chức trong tháng 11/2021), đề nghị thành viên Văn phòng Chương trình bám sát để triển khai thực hiện đúng tiến độ đã dự kiến thực hiện; đảm bảo kết quả hoạt động có tính bền vững, có chất lượng.
c) Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ năm 2022: Trên cơ sở Kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt theo Quyết định số 1514/QĐ-BTOP ngày 08/10/2021, đề nghị Văn phòng Chương trình phối hợp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bao gồm: Tổ chức tọa đàm theo thời gian dự kiến, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; Hoàn thiện phiếu khảo sát để tiến hành khảo sát bằng hình thức khảo sát trực tuyến và khảo sát trực tiếp; Triển khai xây dựng 11 chuyên đề nghiên cứu phục vụ xây dựng đề án theo nội dung đã thống nhất tại cuộc họp ngày 19/10/2021.
d) Về việc góp ý Công văn số 12235/BTC-HCSN ngày 26/10/2021 của Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Công văn về kinh phí hoạt động của Chương trình: Đề nghị thành viên Văn phòng Chương trình rà soát trên cơ sở thực tiễn triển khai hoạt động; phối hợp Bộ phận kế toán để góp ý dự thảo Công văn trên, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động của Chương trình; sớm có Công văn gửi Bộ Tài chính.
e) Hoạt động khác: tiếp tục thực hiện theo nhiệm vụ đã được giao, bao gồm: kế hoạch, quản lý, hành chính; trình Quyết định giao kiêm nhiệm thành viên Văn phòng Chương trình; trình phê duyệt các kịch bản...; đảm bảo chất lượng, có đổi mới, sáng tạo.
2.3. Kinh phí triển khai hoạt động
Giao Bộ phận kế toán chủ động, rà soát lại kinh phí triển khai các nhóm hoạt động để có sự điều chỉnh phù hợp, khả thi, đảm bảo triển khai có hiệu quả, chất lượng các hoạt động của Chương trình theo đúng quy định.
Rà soát và thẩm định kinh phí thực hiện Đề án, kinh phí quản lý Chương trình. Hướng dẫn và thực hiện thanh quyết toán kinh phí Trang tin làm 02 đợt (đợt 1: 13/8 - 31/10; đợt 2: 01/11 - 31/12/2021).
(Gửi kèm theo Thông báo kết luận số 19/TB-HTPLLN ngày 03/11/2021 của Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025)

File đính kèm:

Xem thêm »