Tọa đàm “Góp ý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025”

24/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hôm nay, ngày 23/10/2020, tại Khách sạn Ninh Bình Hidden Charm, Số 9, Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình, Văn phòng Chính Phủ phối hợp với Bộ Tư pháp long trọng tổ chức buổi tọa đàm với nội dung “Góp ý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025”.

Tham dự Tọa đàm gồm có: Ông Phạm Chí Công – Đại diện Đại diện Vụ pháp luật - Văn phòng Chính Phủ; Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư Pháp; ông Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; bà Trần Phương Thảo - Chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Tài Chính, Ông Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt nam cùng các đại biểu khách mời tham dự.

Phát biểu khai mạc chương trình, Ông Phạm Chí Công –Đại diện Vụ pháp luật - Văn phòng Chính Phủ cho biết: Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tổ chức buổi tọa đàm tập hợp các góp ý, ý kiến về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sau khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư Pháp báo cáo Tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, đề xuất Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp  giai đoạn 2010-2014 và 2015-2020 (Chương trình 585), mặc dù gặp không ít khó khăn song Chương trình 585 đã hoàn thành và thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết, để thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp như sau: Khuyến khích sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động của Chương trình cũng như huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; Gắn kết các hoạt động của Chương trình với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành; Các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình; Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng, từng vùng miền; Kết hợp việc xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, kịp thời biểu dương, khuyến khích các điển hình tiêu biểu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từng bước xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động.

Cũng tại tọa đàm, ông Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra ý kiến tham luận hoàn thiện về mục tiêu, nội dung hoạt động, tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Bà Trần Phương Thảo - Chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Tài Chính tham luận hoàn thiện vấn đề về tài chính, kinh phí dành cho Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Ông Lê Anh Văn- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt Nnam phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm chia sẻ để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thì cần có sự hỗ trợ của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan, đồng thời ông tán thành quan điểm xây dựng hội đồng tư vấn liên ngành về hỗ trợ pháp lý liên ngành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tòa đàm diễn ra sôi nổi với các góp ý của đại diện Văn phòng Chính Phủ, Bộ Tư Pháp, các Bộ, ngành liên quan và các đại biểu tham dự. Qua đó, chương trình đã nhận được nhiều những đề xuất tích cực, hiệu quả cho Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Phiên làm việc buổi sáng của Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp, hứa hẹn phiên làm việc buổi chiều với nhiều ý kiến tham luận có hiệu quả.

(Trích dẫn Tạp chí Đồng hành Việt)

Xem thêm »