Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực trạng công tác quản lý chất lượng, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm qua một số vụ việc gần đây và lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

21/11/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hội nghị tổ chức tại Cà Mau ngày 17/11/2023

Thực hiện Quyết định số 698/QĐ - HTPLLN ngày 08/05/2023 của Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 nhằm giải đáp vướng mắc, phòng tránh rủi ro pháp lý trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngày 17/11/2023, Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật (ILPS) đã tổ chức  hội nghị đối thoại “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực trạng công tác quản lý chất lượng, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm qua một số vụ việc gần đây và lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tại tỉnh Cà Mau.
Tham dự toạ đàm, về phía địa phương có các ông, bà: Ông Võ Thanh Tòng – Giám đốc Sở Tư pháp; Bà Trương Hà Phương Anh – Giám đốc Trung tâm XTĐT và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (IPEC); Ông Phạm Văn Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau; ông Trương Tuấn Linh - Phó Trưởng phòng Thông tin tổng hợp (Ban Tuyên giáo); ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng phòng Phòng Phổ biến Giáo dục Pháp luật (Sở Tư pháp); ông Võ Thành Lợi - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau; ông Trương Thanh Tú - Trưởng phòng Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau; ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chánh thanh tra Sở Công Thương tỉnh Cà Mau.
Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, với sự đồng phối hợp của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau và các Sở ngành trong tỉnh. Toạ đàm đã thu hút gần 100 đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng nhìn lại thực trạng về tình hình an toàn thực phẩm (ATTP), từ đó cùng trao đổi về tình trạng những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng bị cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra kiến nghị những giải pháp làm sao đưa thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng.
Có thể khẳng định rằng, toạ đàm nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn; thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, giải pháp công nghệ số, giải pháp đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm…
Đồng thời, toạ đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật rộng rãi để giúp người dân hiểu đúng, dùng đúng các thực phẩm theo ngành nông nghiệp, ngành y tế và các khuyến cáo của nhà sản xuất... Từ đó, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như xuất khẩu.
Qua đó, những căn bệnh xuất hiện trong thời gian qua do thực phẩm không an toàn gây ra đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, gây tổn hại cho nền kinh tế, lĩnh vực du lịch. Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư.
Phát biểu tại tọa đàm
Tiến sĩ Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó  chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do còn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng; thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu, như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn -   Phó trưởng Ban phong trào cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam (khoá IIIV) thông tin, Chiến lược quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Luật An toàn thực phẩm đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến ATTP. Hệ thống quản lý ATTP của Việt Nam đã được xây dựng theo hướng hài hòa và cập nhật với các hệ thống quản lý tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn luật Toàn Tâm cho biết, cơ chế thị trường tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, một bộ phận không nhỏ người kinh doanh cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường. Điển hình, là sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như: kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn. Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương. Trước hết, về hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, Luật đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cho ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng cụ thể. Đặc biệt, Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP có hiệu lực ngay từ ngày ký, đã trở thành cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, Bộ Y tế, cùng nhiều cơ quan liên quan. Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp chân chính, tuân thủ pháp luật, cải thiện vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do thực phẩm không an toàn tràn lan, nhân lực cơ quan quản lý còn mỏng, chưa kể đến các chiêu trò ngày càng tinh vi của các doanh nghiệp cố tình sai phạm.
Cùng với đó, để đảm bảo ATTP không chỉ đúng là “bài toán” quá khó với doanh nghiệp, người dân mà cũng là thách thức vô cùng khó khăn ngay cả với cơ quan chức năng. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan Trung ương không chỉ có hai Bộ Y tế, Công Thương, mà cả Bộ Công an... cũng vào cuộc đồng bộ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực thi ở cơ sở. 
Tại hội nghị, đại diện các Luật gia, Luật sư, các doanh nghiệp, các Sở ngành trên địa bàn tỉnh Cà Mau đưa ra những kiến nghị cụ thể liên quan đến việc xử phạt các hành vi không tuân thủ pháp luật về ATTP, cụ thể cần tập trung làm rõ trách nhiệm và xử lý đến cùng các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người khác, một khi đã xác định là cố tình sai phạm, nguy hiểm, ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng như chết người, ngộ độc hàng loạt.
Chủ trì hội nghị ThS. Trần Thị Hằng Nga – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật  đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của đại biểu hội nghị; sẽ tổng hợp để phản ánh, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và phát biểu bế mạc hội nghị.

Xem thêm »