Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Chương trình 585), ngày 21 tháng 11 năm 2017 vừa qua, Ban Quản lý Chương trình 585 đã tổ chức Hội nghị trao đổi kết quả hoạt động năm 2017 và đề xuất mô hình hoạt động của Tổ Thư ký Chương trình 585 năm 2018 tại tỉnh Bắc Ninh.
Với mục đích trao đổi kinh nghiệm, kết quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa Tổ Thư ký Chương trình với các địa phương , Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, các Sở ban ngành có liên quan, cũng như đánh giá và đề xuất mô hình cơ chế phối hợp, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Hội nghị đã thu hút được nhiều đại biểu, chuyên gia tới tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, các hoạt động của Chương trình 585 nói riêng và đặc biệt là chất lượng hoạt động của Tổ Thư ký Chương trình 585 trong năm 2017. Trong thời gian qua, mặc dù Tổ Thư ký Chương trình 585 cũng đã có rất nhiều nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của Chương trình 585 nói riêng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, nhưng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của Chương trình 585 cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa Tổ Thư ký Chương trình 585 với các đơn vị thụ hưởng và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở đó, các đại biểu tham gia Hội nghị đã trình bày những ý kiến đóng góp về cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động của Tổ Thư ký Chương trình 585 nói riêng. Trong đó, mô hình Bác sỹ doanh nghiệp do Ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Ninh trình bày đã nhận được sự quan tâm của địa biểu tham dự. Cũng qua đó, Ông Nguyễn Phương Bắc đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới với mục đích đáp ứng đúng và trúng những khó khăn pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của Ông Lê Anh Văn - Giám đốc trung tâm tư vấn pháp luật và phát triển nguồn nhân lực thuộc hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần gắn với mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật với đội ngũ cộng tác viên trên khắp cả nước mà trong đó Tổ Thư ký Chương trình 585 đóng vai trò là đầu mối phối hợp nhằm tạo ra cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn, cụ thể hơn, chuyên sâu hơn.
Kết thúc buổi hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Tú - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời sẽ nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, cơ chế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Chương trình 585 trong thời gian tới.