Theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, kể từ ngày 01/02/2024, sau khi giải thể Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chính thức tiếp nhận nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng ngày ký các Quyết định, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tổ chức bàn giao nhiệm vụ này do đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì với sự tham dự của một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai thực hiện trên cơ sở Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 81) và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” (Đề án 345).
Mục tiêu của Chương trình là hướng tới triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình đã đề ra 03 nhóm mục tiêu chính: (i) Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; (ii) Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Để triển khai Chương trình được kịp thời, sau khi tiếp nhận bàn giao, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tập trung rà soát, điều chỉnh các kế hoạch hoạt động theo giai đoạn và năm 2024 của Chương trình và Đề án 345, đảm bảo các nội dung và nhiệm vụ triển khai bám sát nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề xuất bổ sung nhiệm vụ xây dựng, trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP vào Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục quản trị, vận hành có hiệu quả Trang tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
Chương trình được kỳ vọng sau khi được bàn giao cho Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tạo ra những bước đột phá trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mang lại những giá trị thiết thực và trở thành một kênh thông tin hai chiều, ghi nhận những ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp đến với các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, xây dựng và củng cố lòng tin của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đối với hệ thống pháp luật, đưa pháp luật đi sâu vào đời sống, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Nguyễn Thành Huy – Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật