Xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh phía Bắc

04/11/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 03/11/2020 tại tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) đồng tổ chức Hội nghị đối thoại vướng mắc, bất cập trong xây dựng, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh phía Bắc.

Hội nghị đối thoại tại Bắc Ninh

Tham dự Hội nghị đối thoại có đại diện Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế), Ban Quản lý, Tổ Thư ký Chương trình 585, Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình... cùng đại diện các Sở, ngành liên quan của tỉnh Bắc Ninh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan, tổ chức có liên quan, các doanh nghiệp và báo, đài tham dự đưa tin về Hội nghị. Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì Hội nghị đối thoại.


Ông Trần Minh Sơn – Tổ trưởng Tổ Thư ký Chương trình 585 thay mặt Tổ Soạn thảo trình bày tại Hội nghị đối thoại về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, đây là Chương trình liên ngành, với vai trò định hướng các hoạt động cho các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các địa phương ban hành. Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, ông Lê Đặc Việt  – Phó Giám đốc trao đổi thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 ở tỉnh Bắc Ninh, những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện và sự phối hợp với Chương trình liên ngành, trong đó, đề xuất quan tâm đến nguồn lực về kinh phí thực hiện trong công tác này.
Ông Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái trao đổi tham luận những vướng mắc, khó khăn và đề xuất phương án xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Yên Bái và nhấn mạnh việc ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực cho rằng, qua tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho thấy, nhiều Sở Tư pháp vẫn loay hoay và đơn độc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cần phải sự vào cuộc của cả hệ thống các cơ quan từ Trung ương tới địa phương trong công tác này.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp hoàn toàn nhất trí với dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và cho rằng, sự quan tâm và bố trí nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn chưa thực sự cân xứng trong thời gian qua, trong khi đó, đây là một trong những điểm sáng và nhiệm vụ quan trọng của ngành Tư pháp đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Thành – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh; Ông Phạm Khắc Nam – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh cũng nhất trí rằng việc bố trí nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương (cụ thể tỉnh Bắc Ninh) trong thời gian qua còn hạn chế so với các Đề án, Chương trình hỗ trợ các ngành đang triển khai, cần phải được quan tâm, hỗ trợ hơn trong thời gian tới.
Luật sư Nguyễn Thành Long – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh đánh giá công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tạo nguồn lực cho thị trường dịch vụ pháp lý phát triển và đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động này.
Trong chuỗi hoạt động, cùng ngày 3/11/2020 tại tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt, Ban Quản lý Chương trình đã tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về hợp đồng tín dụng, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng – một số lưu ý trong bối cảnh Covid – 19, các Báo cáo viên và chuyên gia đã trao đổi với đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan tổ chức tham dự lớp bồi dưỡng về các quy định pháp luật về hợp đồng tín dụng, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Với hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật quy định về hợp đồng tại Việt Nam, trong đó, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũng được quy định tại nhiều văn bản khác nhau (theo thống kê của Bộ Tư pháp, có ít nhất 35 văn bản quy phạm pháp luật liên quan từ Bộ luật Dân sự, đến các Luật, Nghị định và Thông tư) quy định về vấn đề này. Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại 59 điều luật (từ Điều 292 đến Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2015) với những nội dung về bảo đảm hiện nghĩa vụ và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cụ thể.

Các vấn đề lưu ý về chủ thể giao kết hợp đồng bảo đảm, đại diện cho các thành viên của hộ gia đình; đặt cọc mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; việc thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng thế chấp quyền sử dụng đất giữa cá nhân với cá nhân; trường hợp giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị tuyên vô hiệu nhưng trước đó bên nhận chuyển nhượng đã thế chấp quyền sử dụng đất đó tại tổ chức tín dụng thì bên thế chấp (tổ chức tín dụng) có được coi là người thứ ba ngay tình và được bảo vệ không?... là những vấn đề được các báo cáo viên và các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trao đổi tại lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, các tổ chức tín dụng và doanh nghiêp tham dự các Hội nghị đối thoại vướng mắc, bất cập trong xây dựng, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh phía Bắc, Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia và ý kiến các Sở Tư pháp và các cơ quan tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Ninh tại Hội nghị đối thoại về các nội dung trên, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Ban Quản lý Chương trình 585 tổng hợp các ý kiến góp ý, các vướng mắc thực tiễn áp dụng để có kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Trần Minh Sơn
 

Xem thêm »