Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” và khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đắk Lắk

19/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" (tại các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 08/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1514/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án. Triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án này, Bộ Tư pháp (Thường trực Tổ soạn thảo Đề án phối hợp với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và các cơ quan, tổ chức có liên quan) đã xây dựng dự thảo Đề án  “Nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Để tiếp tục hoàn thiên dự thảo Đề án, ngày 15-16/9/2022, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án trên và thành lập Đoàn khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (tham gia đoàn khảo sát có đại diện Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; đại diện Văn phòng Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tài chính và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Ngày 15/9/2022, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án trên. Hội thảo do đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chủ trì, với sự tham gia của đại diện các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh lân cận (Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông). Hội thảo ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự Hội thảo.

Tiếp đó, Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk và Hội doanh nhân thành phố Buôn Ma Thuật để nắm bắt tình hình công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác này và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, đại diện Đoàn luật sư và Hội doanh nghiệp cho rằng, để nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và vai trò của Đoàn Luật sư, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác này, cần có giải pháp cụ thể để đưa vai trò của các tổ chức này trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt cần có cơ sở pháp lý để các tổ chức này có căn cứ triển khai hoạt động này.

Kết thúc Hội thảo và khảo sát, đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 cảm ơn sự tham gia tích cực của các đại biểu và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban Quản lý Chương trình và Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Xem thêm »