HOẠT ĐỘNG DUY TRÌ MẠNG LƯỚI TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH ĐỒNG NAI

09/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), thực hiện Hợp đồng giao việc giữa Ban quản lý chương trình 585 và Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lựcvề việc tổ chức tọa đàm Trao dổi kinh nghiệm giữa Cộng tác viên và doanh nghiệp trong quá trình thiết lập, duy trì mạng lưới. Trên cơ sở kết quả của công tác tổ chức, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin báo cáo kết quả công tác tổ chức hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

A. NỘI DUNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức tọa đàm
  -  Chuyên đề: Trao đổi kinh nghiệm giữa Cộng tác viên và doanh nghiệp trong quá trình duy trì mạng lưới tư vấn và giới thiệu chính sách thuế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
  - Thời gian tổ chức:  ngày 17 tháng 11 năm 2018
  -  Chủ trì tọa đàm: Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
- Đại biểu tham dự:  Đại diện doanh nghiệp, đại diện tổ chức hành nghề luật sư, các luật gia, hội viên của Hội doanh nghiệp địa phương và đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan và đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới.
    2. Nội dung tọa đàm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm HTPL&PTNNL đại diện cho Cơ quan chủ trì Chương trình đã giới thiệu về mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN, HTX theo Chương trình 585 – Bộ Tư pháp và những  khuyến cáo về thực thi pháp luật cũng như nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn pháp luật phố biến của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Tại hội nghị, các cộng tác viên đã trình bày, chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm tư vấn, giải đáp pháp luật cho các doanh nghiệp tại địa phương. Tại hội nghị nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp, cán bộ làm công tác kế toán trong doanh nghiệp  đã thảo luận về chính sách thuế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2018, những vấn đề về thuế các doanh nghiệp cần quan tâm và những tình huống vướng mắc pháp luật cụ thể.
3.Hoạt động tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật kinh doanh cho nghiệp
Trung tâm đã tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức cho doanh nghiệp đề xuất những vướng mắc trong quá trình kinh doanh với các công tác viên tham gia mạng lưới. Các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn đã đề xuất câu hỏi  tư vấn theo mẫu gửi BTC.
Đối tượng thụ hưởng: Doanh nghiệp tham gia Tọa đàm và doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
- Cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới là các cá nhân được lựa chọn và qua công tác đào tạo, tập huấn từ hoạt động thiết lập.
- Hình thức tư vấn: Tổ chức phát phiếu yêu cầu tư vấn cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp điền thông tin nội dung cần tư vấn cho các chuyên gia tư vấn, trên cơ sở phiếu tư vấn, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp bằng văn bản trả lời có xác nhận của trung tâm.
- Số lượng phiếu tư vấn: 24 phiếu
3. Nội dung hỏi đáp trả lời vướng mắc tại tọa đàm
Tọa đàm nhận được các  ý kiến đặt vấn đề trao đổi, hỏi đáp của các đại biểu tập trung vào nhóm các đề xuất như sau:
3.1.Hiện tại tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến các loại thuế mà doanh nghiệp phải đóng hoặc có thể phải đóng khi thành lập doanh nghiệp. Trong quá trình tìm hiểu các quy định liên quan đến vấn đề này tôi có rất nhiều thắc mắc chưa giải đáp được. Cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành thì sau khi thành lập, doanh nghiệp sẽ phải nộp những loại thuế nào? Và vấn đề này được quy định trong những văn bản nào?
Trả lời
Hiện nay, các loại thuế dưới dây là các loại thuế doanh nghiệp sau khi thành lập và đi vào hoạt động phải đóng hoặc có thể phải đóng theo quy định của pháp luật bao gồm:
Thứ nhất, lệ phí môn bài:
Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì mức nộp lệ phí môn bài của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: Lệ phí môn bài là 03 triệu đồng/năm
Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: Lệ phí môn bài là 02 triệu đồng/năm
Từ năm 2018, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm đầu.
Thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm.
Doanh thu đến 20 tỷ đồng: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%
Doanh thu từ trên 20 tỷ đồng: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%
Từ năm 2018, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường nêu trên (theo Khoản 1 Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017).
Thứ ba, thuế giá trị gia tăng
Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008 quy định: Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được tính theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Riêng doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động sẽ nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Phương pháp khấu trừ: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
Phương pháp trực tiếp: Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.
Trong đó, thuế suất thuế GTGT đối với các doanh nghiệp dao động ở các mức 0% - 5% - 10% (tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp).
Thứ tư, thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế mà doanh nghiệp nộp thay cho người lao động. Thuế thu nhập cá nhân được tính theo tháng, kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm.
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ
- Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả.
- Các khoản giảm trừ bao gồm:
+ Giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.
Thứ năm, thuế xuất nhập khẩu
Thuế này áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu
Doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu các loại thuế này.
Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, hai loại thuế này áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %; phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp.
- Đối với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.
Trong đó, thuế suất được xác định theo từng mặt hàng chịu thuế, quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP
- Đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối: Số tiền thuế được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.
- Đối với phương pháp tính thuế hỗn hợp: Số tiền thuế được xác định căn cứ là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối
Thứ sáu, thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế này áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008
Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt x Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ bảy, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Thuế này áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có sử dụng hoặc kinh doanh nhà đất thì phải nộp thuế sử dụng đất theo quy định tại Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010.
 

3.2.Xin cho hỏi trong trường hợp doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh bị thua lỗ trong nhiều năm thì được kết chuyển lỗ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đó trong thời gian bao lâu?

Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành thì thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế thu trên thu nhập của doanh nghiệp còn được gọi là thuế thu nhập công ty, là loại thuế phổ biến trên thế giới. Đây là loại thuế trực thu, thuế suất tỉ lệ, mức thu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các loại doanh nghiệp.
Các quy định liên quan đến lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013, Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 thì việc chuyển lỗ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện sau sau:
- Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
- Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư sau khi đã thực hiện bù trừ theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 nếu còn lỗ và doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động đó. Thời gian chuyển lỗ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (Sửa đổi 2013).
Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh mà có phát sinh lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau. số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 218/2013/NĐ-CP việc xác định lỗ và chuyển lỗ được thực hiện như sau:
- Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm (-) về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang được xác định theo công thức Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)
- Doanh nghiệp có lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
- Lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) sau khi đã thực hiện bù trừ với thu nhập chịu thuế của hoạt động này hoặc bù lỗ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 218/2013/NĐ-CP nếu còn lỗ và doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động đó, thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
3.3.Xin cho hỏi đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu mở thêm chi nhánh. Vậy khi doanh nghiệp thành lập chi nhánh thì chi nhánh có được kinh doanh giống doanh nghiệp không? Hằng năm, chi nhánh của doanh nghiệp phải đóng thuế môn bài bao nhiêu?
Trả lời
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có quy định như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Như vậy, theo quy định này thì đối với trường hợp thành lập chi nhánh, hằng năm doanh nghiệp sẽ phải đóng lệ phí môn bài là 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Vậy, theo quy định này thì chi nhánh của doanh nghiệp sau khi thành lập phải kinh doanh giống ngành kinh doanh của doanh nghiệp đó.
3.4.Công ty của tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn có khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế. Tôi nghe, công ty tôi thuộc đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Vậy khi đáp ứng các điều kiện nào theo quy định hiện hành thì công ty của tôi sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào?
Trả lời:
Theo quy định hiện hành thì các cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất;
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra;
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ;
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ;
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 thì điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
- Có hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;
- Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;
- Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hoá, cung ứng dịch vụ; hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.
Việc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.
 
B. KIẾN NGHỊ
- Cần mở rộng cơ sở tính thuế. Thông qua mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, thu hẹp phạm vi ưu đãi, miễn giảm thuế bằng cách giảm bớt các miễn, giảm thuế không thiết thực, không công bằng, xóa bỏ những quy định khác biệt về nghĩa vụ nộp thuế giữa các đối tượng, tách dần chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế, qua đó đảm bảo tính công bằng của hệ thống chính sách thuế
       - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong Luật quản lý thuế: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập trong các quy định pháp luật về thuế (như đối tượng tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, hoàn thuế, chế tài xử lý vi phạm Luật,..) cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển.
       -Trên cơ sở yêu cầu phát triển của nền sản xuất xã hội, thực trạng kinh tế - xã hội đất nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các cơ quan chức năng cần nghiên cứugiảm mức thu thuế đối với các đối tượng nộp thuế, thông qua từng bước giảm số lượng và mức thuế suất, qua đó đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống chính sách pháp luật về thuế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
       - Đơn giản hoá và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế. Thông qua cải cách các quy trình, thủ tục về kê khai, nộp thuế và quản lý thuế, đảm bảo tính đơn giản, minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp và cơ quan quản lý thu thuế.
       - Để khuyến khích đầu tư, cần có chế độ ưu đãi đối với tài sản cố định mua sắm hoặc xây dựng mới được khấu trừ thuế hoặc được hoàn thuế GTGT đầu vào, làm giảm giá thành công trình xây dựng. Đối với máy móc thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng loại trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, cần đưa vào diện không chịu thuế GTGT. Đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ODA được hoàn thuế GTGT đầu vào nhằm khuyến khích thu hút vốn vào Việt Nam. Để đảm bảo hoàn thuế nhanh, đáp ứng yêu cầu về vốn cho doanh nghiệp, cần quy định rõ những điều kiện cần thiết được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý hoặc năm. Riêng với hàng xuất khẩu, có quy định những điều kiện thật cụ thể, rõ ràng để việc hiểu và thực hiện được thống nhất.
       - Đối với các quy định về hóa đơn, chứng từ,hóa đơn GTGT là căn cứ pháp lý để xác định phạm vi, nghĩa vụ thuế GTGT như xác định số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế GTGT phải nộp vào ngân sách nhà nước,…và là văn bản quản lý của Nhà nước. Với ý nghĩa quan trọng như vậy của hóa đơn, chứng từ thì các quy định cần được tập hợp thống nhất trong một văn bản để thuận tiện trong việc tra cứu và áp dụng. Ngoài ra, do hiện nay hầu hết các quy định quản lý hóa đơn chứng từ và xử lý vi phạm được ban hành dưới hình thức văn bản có hiệu lực pháp luật thấp như công văn của Tổng cục thuế nên cần phải sửa đổi các quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ và xử lý các hành vi vi phạm dưới hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để tăng hiệu quả trong việc áp dụng và phổ biến với mọi đối tượng.
 

Xem thêm »