Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và vài dấu ấn khó quên

25/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Là người làm việc gần ba chục năm tại Bộ Tư pháp, thời gian chủ yếu tại Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nhưng tự thân không nhớ chính xác ngày về Vụ và không nhớ ngày nào thì Vụ mang cái tên này. Cám ơn sự kiện 30 năm ngày thành lập Vụ (24/8/1991 - 24/8/2021) giúp biết được thời điểm mang tính “pháp lý” này (nhưng về công việc thì lịch sử của Vụ dài hơn), qua đó làm nhớ lại vài ký ức chưa phải là xa xưa.

Nói vậy vì khi về nhận công tác năm 1985, Bộ Tư pháp thành lập Phòng Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Bộ. Công việc của Phòng liên quan đến pháp luật quốc tế và quan hệ quốc tế do anh Hoàng Phước Hiệp cầm quân với không đến chục anh chị em. Tôi lúc ấy chủ yếu là dịch các bản án truy nhận cha từ Cộng hòa dân chủ Đức, tương tự như tương trợ tư pháp bây giờ. Đùng một cái được thông báo cùng một số anh em chuyển về Vụ Pháp luật kinh tế (tiền thân của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế). Lý do là Bộ trưởng Phan Hiền chỉ đạo chuyển anh em đã học ở Cộng hòa dân chủ Đức về làm xây dựng pháp luật kinh tế. Không thấy ai hỏi hay giải thích tại sao Bộ trưởng chỉ đạo vậy. Thời gian qua đi, người đến, người đi… dâu bể thăng trầm. Mình thì ở đến phút cuối của công việc, không biết yêu việc hay việc yêu mình? Chỉ biết thấy công việc lúc nào cũng say mê như phải lòng. Đó cũng là một hạnh phúc. Giai đoạn từ năm 1986 là thời gian đáng nhớ vì nó ghi nhận những thay đổi liên tục của đất nước mà chỉ vài năm trước ít ai ở Việt Nam nghĩ tới. Bối cảnh đó dẫn tới việc thay đổi liên tục về tổ chức cũng như công việc của bộ máy nhà nước, trong đó có Bộ Tư pháp. Năm 1988, Vụ Pháp luật kinh tế và Vụ Pháp luật chung được nhập thành Vụ Pháp luật. Ngày 24/8/1991, Vụ Pháp luật được tách thành Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính. Việc thành lập Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính có nhiều lý lẽ khác nhau nhưng nhìn từ phương diện luật học có thể coi là một trong các dấu ấn quan trọng đối với luật học Việt Nam trong việc tiếp cận với sự phân biệt luật công và luật tư - một tất yếu khách quan.

Nhu cầu kiến thức về đổi mới cơ chế quản lý, nhất là quản lý kinh tế lúc đó rất lớn mà con người thì hầu như tất cả đều cũ. Đó là vấn đề của lịch sử. Sự háo hức tìm hiểu về đổi mới khó có thể diễn tả lại, nhất là sau sự cố Liên Xô và Đông Âu. Điều đó đặt ra thách thức rất lớn đối với đất nước, trong đó có Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế. Một cuộc chạy đua, vừa học vừa làm… nhưng ít ai thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc.

Dấu ấn có nhiều, nhưng liên quan đến pháp luật kinh tế (một phần của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế ngày nay) là sự tham gia của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Luật Công ty năm 1990. So với những dấu ấn sau này, đây chỉ là một sự kiện rất khiêm tốn, nhưng là việc ghi nhận ban đầu cho xây dựng pháp luật trong kinh tế thị trường.

Luật Công ty năm 1990 do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì. Chính phủ chọn mô hình một loại công ty và phân biệt thành hai trường hợp là có phát hành cổ phiếu và không phát hành cổ phiếu theo đề xuất của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Một số ý kiến, trong đó có Bộ Tư pháp cho rằng nên phân biệt làm hai loại công ty đối vốn là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Bộ trưởng Tư pháp Phan Hiền yêu cầu làm rõ tại sao tại sao nên chọn công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn? Một nhóm chuyên gia (gồm: Đinh Trung Tụng, Dương Đăng Huệ, Nguyễn Bích Vân, Hoàng Phước Hiệp, Nguyễn Am Hiểu, Nguyễn Tiến Lập... với trưởng nhóm là Phan Hữu Chi) được giao nghiên cứu và xin tham vấn của GS.TS. Friedrich Kübler, một giáo sư hàng đầu về pháp luật công ty, đến Việt Nam với tư cách là chuyên gia của Viện Fridrich Erbert Stiftung (FES) thuyết trình tại Bộ Tư pháp về pháp luật kinh tế của Cộng hòa Liên bang Đức.

Theo GS.TS. Friedrich Kübler, mỗi mô hình có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Mô hình của Mỹ mềm dẻo hơn, nhất là khi công ty cần chuyển đổi từ không phát hành cổ phiếu (close corporation) sang có phát hành cổ phiếu (public corporation) và ngược lại. Nó phù hợp với tính năng động của hoạt động thương mại, nhưng ít rõ ràng. Cộng hòa Liên bang Đức chọn phân biệt công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn vì cách phân chia này rõ ràng, dễ nhận biết hơn, vì vậy giúp hạn chế rủi ro hơn.

Sau khi Bộ trưởng Tư pháp báo cáo, Chính phủ nhất trí trình chính thức phương án của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và đồng ý để Bộ trưởng Tư pháp báo cáo Quốc hội phương án phân biệt công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Quốc hội đã chọn phương án công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Đó là sự kiện hiếm hoi xảy ra trong hoạt động lập pháp tại Việt Nam trong những năm qua. Hơn 30 năm sau lựa chọn này, hầu như chưa thấy đề xuất thay đổi. Điều đó có thể củng cố thêm niềm tin sự lựa chọn đó phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa… Việt Nam và đó là một trong những yêu cầu quan trọng mà mỗi hệ thống pháp luật cần đáp ứng.

Một dấu ấn mà hầu hết mọi người cũng như tôi hầu như không bao giờ để ý. Trong một phiên họp, khoảng sau năm 2000, liên quan đến nguồn nhân lực và đào tạo. Khi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng đưa ra số liệu Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thời điểm đó có số lượng người có học vị tiến sỹ nhiều nhất Bộ. Tôi thật sự giật mình. Thống kê này chưa bao giờ đưa vào thành tích của Vụ và đó là điều bây giờ tôi mới thấy nó lý thú. Đừng bao giờ nên coi đó là thành tích, có được số liệu đó là do nhiều yếu tố tạo nên, như do bản chất và yêu cầu của công việc, môi trường làm việc, sức hút của công việc đối với những người yêu mến nó… Không bao giờ nên đồng nhất học vị với trình độ hay năng lực… Trên thế giới có rất nhiều thiên tài học rất ít, thậm chí học rất kém… Người sáng lập và là ông chủ của hãng Honda, Soichiro Honda chỉ là một người thợ sửa chữa xe đạp, nhưng đã tạo nên những chiếc xe huyền thoại...

Sự hiếu học luôn cần được ghi nhận là một tiêu chí đáng khuyến khích khi nhìn nhận về con người. Ở Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, có thể thấy thế hệ sau có thiên hướng củng cố tiếp số liệu trên. Tỷ lệ so với các đơn vị có thể thay đổi vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng sự hiếu học ở thế hệ sau luôn cảm nhận được và thật đáng trân trọng, tin tưởng.

Một suy nghĩ nhỏ nữa nói ra không đúng với tính cách của người viết, nhưng không thể không nói vì nó không phải của riêng mình. Thời gian 30 năm có biết bao thay đổi trong Vụ, nhất là người đi, người đến. Nhưng cái thú vị cảm nhận được là người đến thì chắc chắn là yêu mến cái mình muốn, và người đi không phải vì không yêu mến Vụ nữa mà muốn tìm một cơ hội khác phù hợp. Gặp gỡ mỗi khi hội ngộ dù là công việc hay tiệc tùng… vẫn luôn là gặp lại người thân, đồng nghiệp.

TS. Nguyễn Am Hiểu,
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Xem thêm »