Chi bộ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII: Một số vấn đề đặt ra”

09/04/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Công văn số 36-CV/ĐU ngày 31/3/2021 của Đảng ủy Bộ Tư pháp về việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiều ngày 08/4/2021, tại Bộ Tư pháp, Chi bộ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề (mở rộng) với chủ đề “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII: Một số vấn đề đặt ra”. Tham dự Buổi sinh hoạt có các đồng chí: Đỗ Xuân Lân – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Đảng bộ Bộ Tư pháp, Bí thư Chi bộ, Chánh Văn phòng Văn phòng Đảng – Đoàn thể; Đồng Ngọc Ba – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Trần Anh Tuấn – Phó Bí thư Chi bộ Vụ Pháp luật quốc tế; Bùi Thị Nam – đại diện Chi bộ Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và toàn thể Đảng viên, công chức Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã trình bày các nội dung cơ bản về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN theo tinh thần của văn kiện Đại hội XIII; có so sánh với văn kiện Đại hội X, XI, XII và hai Nghị quyết về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN (Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017) để làm nổi bật những điểm mới cũng như sự phát triển về quan điểm, tư duy của Đảng về vấn đề quan trọng này. Cụ thể, đây là một trong 3 đột phá chiến lược, một trong 5 quan điểm phát triển, đồng thời là một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh các nội dung về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN gắn trực tiếp với công việc của Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp đang và sẽ triển khai, bao gồm: hoàn thiện thể chế về quyền sở hữu, về hợp đồng và giải quyết tranh chấp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (thực hành kinh doanh có trách nhiệm); giải pháp, chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số và một số vấn đề khác liên quan (như đầu tư công; chính sách thuế, phí, lệ phí; quyền sử dụng đất; bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội…). Đồng thời, báo cáo viên cũng nêu ra các giải pháp, gợi ý liên quan đến công tác góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; phản ứng chính sách, pháp luật hiệu quả, kịp thời để giải quyết các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN theo yêu cầu của Văn kiện Đại hội XIII.


Sau phần trình bày của đồng chí Nguyễn Thanh Tú, các đại biểu tham dự cũng đã sôi nổi trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan, nhất là các khó khăn, thách thức có thể phát sinh trong quá trình đưa tinh thần, yêu cầu về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN trong Văn kiện Đại hội XIII vào cuộc sống, “thành hiện thực sinh động trong thực tế”, “thành của cải, vật chất, mang lại sự giàu có, hạnh phúc cho nhân dân”; từ các vấn đề: (i) lý luận (và tổng kết thực tiễn); (ii) đề xuất chính sách; (iii) xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iv) tổ chức thi hành pháp luật; và (v) hoàn thiện các vấn đề trên. Các đại biểu đã thống nhất vấn đề quan trọng nhất là vấn đề con người như chính Bác Hồ đã nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người”.


Xem thêm »