Hiểu Luật để khởi nghiệp bền vững
Khởi nghiệp sáng tạo đang bùng nổ tại Việt Nam với số doanh nghiệp thành lập mới liên tục lập kỷ lục. Năm 2023, cả nước có gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, lần đầu tiên đạt mốc cao nhất lịch sử
Tầm quan trọng của nền tảng pháp lý đối với startup
Cùng với tinh thần khởi nghiệp đó, yêu cầu về nền tảng pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực tiễn cho thấy nếu mơ hồ về kiến thức pháp luật khi khởi nghiệp, startup có thể phải trả giá đắt: Pháp lý sẽ trở thành rào cản, tiềm ẩn rủi ro dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.
Vì vậy, thông điệp “Hiểu luật để khởi nghiệp bền vững” cần trở thành kim chỉ nam cho mọi nhà sáng lập, bởi pháp luật không chỉ là nền tảng bảo vệ doanh nghiệp, mà còn là hành trang bắt buộc ngay từ ngày đầu khởi sự. Pháp luật là “bệ đỡ” sống còn giúp doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ổn định, an toàn và bền vững.
Các chuyên gia nhấn mạnh pháp lý luôn gắn liền với dự án khởi nghiệp từ những bước đầu tiên, không hề xa vời hay chỉ dành cho công ty lớn. Luật sư Đào Thị Thu Thủy (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều nhà đầu tư đã “ngán ngẩm” khi phát hiện những lỗ hổng pháp lý trong dự án startup những rắc rối kiện tụng do doanh nghiệp “bỏ rơi” yếu tố pháp lý trong quá trình phát triển.
Bà Thủy cũng nhấn mạnh, các startup đừng quên mang theo hành trang pháp lý, chỉ khi tích hợp pháp luật vào mọi giai đoạn khởi nghiệp, startup mới giảm bớt rủi ro, tiết kiệm được thời gian, chi phí để tập trung phát triển dự án. Trên thực tế, không ít startup Việt vì eo hẹp tài chính giai đoạn đầu nên cố tiết kiệm chi phí bằng cách bỏ qua khía cạnh pháp lý, họ thường chỉ chú trọng sản phẩm, vốn và quan hệ kinh doanh mà không được tư vấn pháp luật thường xuyên.
Nhiều doanh nhân chỉ tìm đến luật sư khi tranh chấp đã xảy ra, nhưng lúc đó có thể đã muộn, chứng cứ pháp lý quan trọng có thể bị bỏ lỡ ngay từ đầu do không có tư vấn, dẫn đến khó bảo vệ quyền lợi của chính startup khi tranh chấp xảy ra.
Những bài học như vụ chủ quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) bị truy tố hình sự vì kinh doanh không giấy phép cho thấy không tuân thủ pháp luật có thể đẩy startup vào vòng lao lý. Do đó, nền tảng pháp lý vững chắc cần được xem là yếu tố sống còn, song song với ý tưởng kinh doanh và vốn đầu tư.
Tuân thủ Luật Doanh nghiệp 2020
Thành lập doanh nghiệp hợp pháp là bước đi tiên quyết để khởi nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chi tiết trình tự, thủ tục thành lập công ty và yêu cầu startup phải đăng ký kinh doanh đầy đủ trước khi hoạt động.
Trước tiên, nhà sáng lập cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, công ty cổ phần), vì mỗi loại hình có ưu và nhược điểm riêng.
Tiếp đó, doanh nghiệp phải đặt tên, xác định trụ sở, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ và thông tin chủ sở hữu phù hợp với quy định pháp luật. Chẳng hạn, tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn, ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục cấm, trụ sở phải có địa chỉ hợp pháp, và vốn điều lệ nên kê khai sát thực tế. Việc đăng ký thành lập hiện nay được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng thường chỉ vài ngày làm việc nếu hồ sơ hợp lệ là kết quả của nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ (năm 2016, kỷ lục 110.000 doanh nghiệp đăng ký mới nhờ Luật Doanh nghiệp 2014 mở rộng quyền tự do kinh doanh
Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2020 nhấn mạnh mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Cụ thể, nếu luật khác có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức, giải thể doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên biệt thì phải áp dụng quy định của luật đó.
Điều này có nghĩa là startup cần tuân thủ cả luật chuyên ngành bên cạnh Luật Doanh nghiệp. Ví dụ, một startup fintech phải đáp ứng yêu cầu pháp lý riêng của ngành ngân hàng; doanh nghiệp thực phẩm phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm… Sự hiểu biết pháp luật chuyên ngành giúp startup tránh vi phạm các điều kiện kinh doanh và giấy phép con. Ngược lại, thiếu sót trong khâu này có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động “chui”, bị xử phạt hoặc buộc ngừng kinh doanh. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, startup cần thực hiện một số thủ tục pháp lý quan trọng để hoàn tất nền móng hoạt động. Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về dấu của doanh nghiệp đây là “chữ ký” không thể thiếu trong các văn bản, hợp đồng. Điểm mới của luật 2020 cho phép doanh nghiệp tự quyết định loại dấu, có thể dùng dấu truyền thống (khắc bằng mộc) hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số với giá trị pháp lý tương đương
Quan trọng hơn, Luật 2020 bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng, giúp giảm bớt giấy tờ phiền hà và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Nhờ cải cách này, startup chủ động quyết định mẫu dấu và có thể công khai trên trang thông tin điện tử của mình để đối tác biết, thay vì phải đăng ký lên Cổng thông tin quốc gia như trước.
Sau khi khắc dấu, doanh nghiệp cần mở tài khoản ngân hàng riêng cho công ty. Tài khoản này được sử dụng trong mọi giao dịch tài chính của doanh nghiệp (nộp thuế, trả lương, thanh toán hợp đồng lớn…) và phải thông báo với cơ quan thuế theo quy định. Việc tách bạch tài khoản doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật về kế toán thuế mà còn giúp startup quản lý dòng tiền minh bạch, chuyên nghiệp hơn.
Một số sai lầm phổ biến của startup Việt liên quan đến giai đoạn đăng ký kinh doanh cần được rút kinh nghiệm. Thứ nhất, có trường hợp doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh mà tự ý hoạt động, dẫn đến rủi ro bị xử lý hình sự như vụ quán cà phê Xin Chào nêu trên. Thứ hai, nhiều startup đăng ký vốn điều lệ một cách tùy tiện, không đúng với vốn góp thực tế. Luật sư Đào Thị Thu Thủy cho biết, có doanh nghiệp khai vốn điều lệ rất cao “để hoành tráng” nhưng thực tế chưa góp đủ. Khi hoạt động, doanh nghiệp vay ngân hàng và đưa chi phí lãi vay vào sổ sách, cơ quan thuế đã loại chi phí lãi vay tương ứng phần vốn khai khống, lập luận rằng “vốn chủ chưa góp đủ mà vẫn đi vay là không hợp lý”.
Hậu quả là công ty tưởng lỗ hóa thành lãi và bị truy thu thuế, phạt vi phạm. Do vậy, startup cần đăng ký vốn trung thực, góp đủ trong thời hạn luật định để tránh rắc rối về sau. Thứ ba, nhiều nhóm sáng lập chỉ thỏa thuận miệng về góp vốn, phân chia cổ phần mà không lập thỏa thuận cổ đông và điều lệ công ty bằng văn bản ngay từ đầu. Điều này dễ dẫn đến tranh chấp quyền lợi khi startup phát triển. Chẳng hạn, một cổ đông góp 30% vốn nhưng lại đem về phần lớn khách hàng doanh thu, nếu không có thỏa thuận rõ ràng, sẽ khó xác định cách chia lợi nhuận với cổ đông góp 70% vốn còn lại.
Do đó, điều lệ công ty (ví như “hiến pháp” của doanh nghiệp) và hợp đồng giữa các sáng lập viên phải được thiết lập ngay khi thành lập. Văn bản này nên quy định cụ thể tỷ lệ và thời hạn góp vốn của mỗi người, quyền hạn ra quyết định tương ứng tỷ lệ sở hữu, phương thức chuyển nhượng cổ phần nếu có người rút lui… Nhờ vậy, startup sẽ có khung pháp lý rõ ràng để xử lý các tình huống nội bộ, phòng ngừa mâu thuẫn về sau.
Đỗ Văn Tuyến
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý