Hộ kinh doanh chuyển lên DN: Đừng hô hào kêu gọi, phải có lợi ích kinh tế thiết thực

27/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chuyên gia cho rằng, việc miễn thuế nhằm hỗ trợ, khuyến khích hàng triệu hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp cần gắn lợi ích kinh tế vào chính sách thay vì chỉ hô hào, kêu gọi chung chung.

Miễn thuế 3 năm cho hàng triệu hộ kinh doanh

Ngày 25/03, tại hội thảo "Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất nên miễn thuế trong khoảng 3 năm để khuyến khích hơn 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

"Việc chuyển đổi này giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh”, ông Tuấn nói thêm.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng đã chia sẻ tại một toạ đàm về Kinh tế tư nhân rằng, để nuôi dưỡng nguồn thu nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm đầu cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Cùng với đó, đơn giản hoá các thủ tục về thành lập, hỗ trợ về kế toán và quản lý.

Theo thống kê, hiện cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 24% vào GDP. Trong số này, chỉ khoảng 2,1 triệu hộ đăng ký kinh doanh, nộp thuế đầy đủ. Số hộ còn lại chưa đăng ký kinh doanh, chủ yếu nộp thuế dưới hình thức khoán.

Trong chỉ thị số 10 ngày 25/3 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, người đứng đầu Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

"Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp", chỉ thị số 10 nêu.

Gắn lợi ích kinh tế vào chính sách thay vì kêu gọi

Trả lời Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho biết, trường hợp các hộ kinh doanh được đề xuất miễn thuế có thời hạn để chuyển đổi lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ là điều tốt, đây là điều cần thiết nhưng cần cân nhắc chính sách đồng bộ, dài hơi để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Ngoài ra, việc này cũng theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước quy định tại Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018.

Ông Được nêu quan điểm nếu chỉ miễn thuế đối với trường hợp hộ kinh doanh chuyển lên mô hình doanh nghiệp thì có thể đây chỉ là giải pháp tạm thời, chưa giải quyết được vấn đề, chưa đúng với tinh thần của Luật nêu trên.

Thứ nhất, bản chất các hộ kinh doanh đã được hưởng lợi từ thuế khoán trong nhiều năm, nay nếu tiếp tục được hưởng chính sách miễn giảm thuế như đề xuất tối thiểu 3 năm, có thể điều này cổ suý cho những hộ kinh doanh không chịu đổi mới, không đầu tư phát triển, lợi dụng chính sách của nhà nước.

Thứ hai, nếu miễn thuế chỉ với đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên mô hình doanh nghiệp dạng siêu nhỏ, vậy câu hỏi đặt ra còn trường hợp các DN siêu nhỏ mới thành lập có được miễn thuế hay không.

“Có nguy cơ tạo sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh”, ông Được quan ngại.

Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, nếu nhà nước có chính sách miễn thuế thì cần thực hiện đồng bộ, miễn giảm toàn bộ cho các DN tư nhân, chứ không thể chỉ miễn cho nhóm hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Ông Được phân tích một thực tế tại Việt Nam có đến 98% DN vừa và nhỏ, và theo quy định tại Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018, các DN được hưởng thuế suất thấp hơn thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp là 20%.

“Nhưng thấp hơn cụ thể là bao nhiêu thì chưa có hướng dẫn và con số cụ thể. Bao nhiêu năm nay chưa đi vào thực tiễn, vẫn chỉ nằm trên Luật mặc dù đã có nhiều kiến nghị”, ông Được dẫn chứng.

Do đó, vị chuyên gia này đề xuất giải pháp, nếu hỗ trợ DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, nên xây dựng chính sách ngay từ ban đầu, hỗ trợ đồng bộ tất cả nhóm doanh nghiệp này, đảm bảo bình đẳng giữa các đối tượng.

Đầu tiên, nếu DN siêu nhỏ được miễn thuế 3 năm thì không phân biệt thành lập mới hay chuyển đổi để đảm bảo công bằng bởi thực tế hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng quy mô kinh tế không hề thay đổi.

Kế đến, thực hiện đồng bộ khuyến khích những hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh. Khi có ưu đãi cho hộ kinh doanh, DN họ sẽ tự động lựa chọn thay vì động viên, phải gắn lợi ích kinh tế vào chính sách thay vì chỉ kêu gọi và hô hào.

“Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ, cần gói chính sách mang tính đột phá. Miễn giảm 3 năm đầu đối với DN siêu nhỏ cả thành lập mới lẫn chuyển đổi, đồng thời hạ thấp thuế suất đối với các DN vừa và nhỏ theo đúng tinh thần của Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2018, mức 10% thuế suất có thể là phù hợp”, ông Được đề xuất.

Theo Tạp chí điện tử Đầu tư tài chính Vietnam Finance 

Xem thêm »