Hoàn thiện khung khổ pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp

07/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 06/3/2025, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì phiên họp.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Theo đó, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được thông qua ngày 17/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 03/2022/QH15 ngày 10/01/2022. Sau 04 năm tổ chức thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực vào đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế thời gian qua đã có nhiều thay đổi, tác động đến việc thực hiện Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, kế thừa, phát huy và tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính doanh nghiệp để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam, tham khảo chọn lọc kinh nghiệm của các nước liên quan đến nội dung chính sách để bảo đảm sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước. Dự thảo Luật gồm 10 chương, 218 điều tiếp tục quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và nhóm công ty.

Đại biểu trao đổi tại phiên họp

Trao đổi tại phiên họp, thành viên hội đồng thẩm định đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung: (i) cần làm rõ hơn việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trong ngành xuất bản tại Luật Doanh nghiệp. Lý giải về nội dung này, các đại biểu cho biết, hiện nay chưa có quy định thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Xuất bản năm 2012 về người đứng đầu nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, cụ thể: tại khoản 3 Điều 17 Luật Xuất bản quy định: “đối với nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu mà có chức danh chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty thì chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 95 Luật Doanh nghiệp lại quy định: “…chủ tịch hội đồng thành viên không được kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác”. Theo đó, hai điều luật này chưa có sự tương thích với nhau; (ii) cần nghiên cứu bổ sung khung khổ pháp lý quy định việc đăng ký hộ kinh doanh, bởi, việc đăng ký hộ kinh doanh hiện đang được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, mặt khác, việc đăng ký hộ kinh doanh cũng tương đồng với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, do đó cần thiết phải luật hóa việc đăng ký hộ kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); (iii) nghiên cứu, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về việc giải thể doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng tình trạng này để lừa đảo chiếm đoạt tải sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu giao cho Tòa án thẩm quyền giải quyết việc giải thể doanh nghiệp để bảo đảm chặt chẽ hơn; (iv) cần có quy định rõ ràng về tên gọi của doanh nghiệp, tránh gây nhằm lẫn, hiểu lầm đối với một số trường hợp như: tên gọi công ty cổ phần tập đoàn nhưng khi giao dịch chỉ ghi là tập đoàn, từ đó có thể nhầm lẫn với các tập đoàn nhà nước hoặc trường hợp công ty được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng lấy tên là công ty trách nhiệm hữu hạn luật có thể gây hiểu lầm là công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư...

Đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt những chính sách liên quan đến việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật; nghiên cứu chỉ sửa đổi những vấn đề đang gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022); rà soát lại quy định của Bộ luật Dân sự liên quan đến thay đổi pháp nhân do quy định của dự thảo Luật chưa có sự tương thích về nội dung này...

Theo Tạp chí Dân chủ & Pháp luật

Xem thêm »