Hỗ trợ pháp lý - Bệ phóng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quảng Ninh vươn xa

22/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong việc hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này có đủ năng lực khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh phúc lợi xã hội tại địa phương

1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh ban hành kế hoạch, chương trình hỗ trợ theo quy định. Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, lồng ghép trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hoặc trong các kế hoạch nâng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực điều hành cấp sở, ngành, địa phương.
Công tác xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp được các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc; thường xuyên cập nhật, đăng tải các quy định, văn bản, sự kiện liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử thành phần, website, fanpage của cơ quan, địa phương. Đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản hiện hành và phổ biến kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật mới được ban hành hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh hình thức tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp, bồi dưỡng trên nền tảng số được tăng cường. Nội dung kiến thức pháp luật đa dạng, tập trung trọng tâm các lĩnh vực pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, thuế, phí, lao động, kinh doanh, ATTP, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, ưu đãi doanh nghiệp có tính chất đặc thù, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động của Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tại địa chỉ: http://vbpl.vn/quangninh/Pages/Home.aspx. Hệ thống này được kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật quốc gia. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng chuyên mục hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng và email để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ pháp lý, cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến pháp luật cho doanh nghiệp. Công tác thẩm định, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Việc công khai các văn bản pháp luật, bản án, và quyết định của Tòa án nhân dân đã góp phần minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, điều này giúp giảm thiểu các rủi ro pháp lý trong hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh luôn chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đối với những vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, các sở, ngành và địa phương đã tăng cường phối hợp, tổ chức các buổi làm việc trực tiếp hoặc giải đáp thông qua văn bản và các hình thức khác. Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị. Các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ trả lời thắc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ngoài ra, các hội nghị gặp mặt, tọa đàm theo lĩnh vực và chuyên ngành quản lý được tổ chức thường xuyên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các ý kiến đóng góp được tiếp nhận và phản hồi qua nhiều hình thức như văn bản, email, hoặc qua các chuyên mục truyền thông. Tỉnh cũng duy trì công khai số điện thoại, đường dây nóng và email để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin pháp lý và giải đáp pháp luật một cách kịp thời.
2. Những kết quả đạt được
          Trong năm 2024, UBND tỉnh đã tổ chức một hội nghị cấp tỉnh với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm lắng nghe và giải quyết các kiến nghị tồn đọng từ năm 2023. Đồng thời, các sở, ban, ngành đã tổ chức 32 hội nghị và buổi làm việc chuyên đề. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì 3 hội nghị, bao gồm: một hội nghị với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” và hai cuộc làm việc trực tiếp để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn; Hải quan chủ trì 9 hội nghị tập trung vào vấn đề xuất nhập khẩu; Ban Quản lý Khu kinh tế cũng tổ chức 9 hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Những kết quả tích cực từ công tác hỗ trợ pháp lý đã giúp nâng cao nhận thức và trình độ pháp luật của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và kế hoạch kinh doanh. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro và tranh chấp mà còn khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức và cá nhân thành lập doanh nghiệp mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 983 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình cả nước và đứng thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, 452 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 11.393.
Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật, vụ việc, vướng mắc pháp lý phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
Thực hiện Nghị định 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng rà soát, cập nhật đầy đủ và kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do HĐND và UBND tỉnh ban hành vào Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh tại địa chỉ: http://vbpl.vn/quangninh/Pages/Home.aspx. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đăng tải thường xuyên các VBQPPL của Trung ương và địa phương trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các cổng thông tin điện tử thành phần, website và fanpage của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là fanpage DDCI. Những nỗ lực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin pháp lý; đồng thời tiếp nhận và giải đáp kịp thời các phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp.
Việc công khai các bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; và các quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh cũng được triển khai hiệu quả. Riêng trong năm 2021, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã cập nhật và đăng tải 62 thông báo từ Tòa án, cùng hơn 20 quyết định xử lý vi phạm hành chính của các sở, ngành.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã công khai 156 bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử ngành Tòa án tại https://congbobanan.toaan.gov.vn/. Những nỗ lực này không chỉ góp phần minh bạch hóa hệ thống pháp luật mà còn đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật và thông tin cho các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh, cũng như giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Về tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hưởng ứng chủ trương của tỉnh về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, các sở, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý. Các hoạt động nổi bật bao gồm tổ chức các chương trình gặp mặt, đối thoại trực tiếp và các sự kiện nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Ngoài ra, các hình thức tư vấn và giải đáp pháp lý được thực hiện phong phú và đa dạng, như: tiếp nhận ý kiến và phản hồi bằng văn bản, thư điện tử; duy trì các chuyên mục như “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân”, “Hỗ trợ doanh nghiệp”, “Tin xúc tiến và hỗ trợ đầu tư”, và “Doanh nghiệp hỏi - cơ quan chức năng trả lời” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các đơn vị liên quan. Một số mô hình sáng tạo như “Cafe với doanh nghiệp”, các câu lạc bộ pháp luật, cùng với việc công khai đường dây nóng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng đã được triển khai hiệu quả.
Từ cấp tỉnh đến địa phương, các cơ quan chức năng luôn chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc pháp lý. Đối với các vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các sở, ngành và địa phương tăng cường phối hợp, tổ chức giải đáp qua các buổi làm việc trực tiếp, bằng văn bản hoặc thông qua các hình thức khác.
Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, áp dụng các thủ tục khởi kiện; tư vấn và trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Danh sách các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư trên địa bàn tỉnh cũng được cập nhật và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, giúp doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn dịch vụ pháp lý phù hợp.
Về bồi dưỡng kiến thức pháp luật và xây dựng, biên soạn tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Một số sở, ngành đã chủ động phổ biến các quy định và cam kết quan trọng trong các Hiệp định quốc tế như ASEAN, ASEAN+, RCEP, EVFTA, cùng với các hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cũng như Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, cũng được phổ biến rộng rãi.
Hàng năm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Nhà nước và địa phương, Sở Tư pháp đã chủ động biên soạn và đăng tải tài liệu liên quan trên các kênh thông tin như Cổng thông tin thành phần của Sở và Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh. Các tài liệu này bao gồm chủ trương, chính sách, văn bản QPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành, cũng như các văn bản hành chính, chỉ đạo, điều hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu dành cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Nhìn chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được các sở, ban, ngành, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh chóng; các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, kế hoạch; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc, góp phần hỗ trợ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro trong tranh chấp kinh doanh của doanh nghiệp.
Kiều Oanh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »