Ngày 25 tháng 12 năm 2024, Thông tư số 76/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 122/2020/TT-BTC. Thông tư mới được xem là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thể hiện quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, từ đó hứa hẹn mang lại luồng gió mới, gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư và góp phần khơi thông dòng vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Chi tiết hóa quy định về công bố thông tin - Nâng cao hiệu quả giám sát
Điểm nhấn quan trọng của Thông tư nằm ở việc quy định chi tiết, cụ thể về các loại thông tin cần công bố, thời điểm công bố, hình thức công bố và mẫu biểu áp dụng cho từng trường hợp. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước, Thông tư yêu cầu công bố thông tin đầy đủ ở ba giai đoạn: Trước khi chào bán, sau khi chào bán và trong suốt vòng đời của trái phiếu. Các thông tin quan trọng như thông tin về doanh nghiệp, mục đích phát hành, phương án sử dụng vốn, tài sản đảm bảo, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, và các sự kiện bất thường đều phải được công bố kịp thời, chính xác, theo đúng mẫu biểu quy định. Tương tự, đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, Thông tư cũng đưa ra các quy định chặt chẽ về công bố thông tin, đảm bảo sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Việc quy định rõ ràng về hình thức công bố thông tin, bao gồm văn bản giấy, văn bản điện tử và đăng tải trên website, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, đồng thời giúp thông tin dễ dàng tiếp cận tới nhà đầu tư và các bên liên quan.
Mở rộng phạm vi, quy định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể
Thông tư mới không chỉ tập trung vào doanh nghiệp phát hành mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các tổ chức trung gian đóng vai trò quan trọng trong thị trường trái phiếu. Từ tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, cho đến tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đều thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư mới. Không chỉ vậy, việc quy định rõ ràng trách nhiệm về công bố thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo bất thường cho từng chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình, về phía cơ quan quản lý, quy định trên thúc đẩy tính toàn diện và hiệu quả trong hoạt động giám sát thị trường. Thông qua hệ thống báo cáo chi tiết, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có thể nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo thị trường vận hành ổn định.
Chế độ báo cáo chặt chẽ - Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức trung gian
Không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu doanh nghiệp phát hành công bố thông tin, Thông tư số 76/2024/TT-BTC còn thiết lập một chế độ báo cáo định kỳ và bất thường đối với các tổ chức trung gian tham gia thị trường. Các tổ chức tư vấn, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đều phải thực hiện báo cáo theo quy định. Nội dung báo cáo được quy định chi tiết tại các phụ lục kèm theo Thông tư, bao gồm thông tin về tình hình hoạt động, tình hình cung cấp dịch vụ, tình hình giao dịch trái phiếu, cơ cấu nhà đầu tư, và các thông tin quan trọng khác. Quy định này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm, vai trò giám sát của các tổ chức trung gian mà còn cung cấp cho cơ quan quản lý một bức tranh tổng thể và chi tiết về hoạt động của thị trường, từ đó sớm đưa ra các chính sách điều hành phù hợp, đảm bảo điều chỉnh được những phát sinh của thị trường cũng như duy trì sự phát triển an toàn, hiệu quả.
Thông tư số 76/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính được đánh giá là một bước tiến quan trọng, tạo ra bước ngoặt trong việc nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và bền vững cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Việc thực thi nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Thông tư sẽ góp phần khơi thông dòng vốn quan trọng cho nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của thị trường trái phiếu Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc để thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính khu vực và toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước trong tương lai. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan cần nhanh chóng nắm bắt, cập nhật và tuân thủ đầy đủ các quy định mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và đúng pháp luật, góp phần xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch, an toàn và phát triển bền vững./.
Nguyễn Anh Vũ
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật