Ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.
Hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải. Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường không khí. Vì vậy, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, kiện toàn hệ thống pháp luật phí, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về BVMT không khí. Với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội; kiện toàn hệ thống chính sách phí bảo vệ môi trường theo Luật Phí và lệ phí; bảo đảm thống nhất với pháp luật trong các lĩnh vực phí, bảo vệ môi trường và quản lý thuế; bảo đảm chính sách phí bảo vệ môi trường đối với khí thải công khai, minh bạch, khả thi và phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan thuế trong thực hiện chính sách phí bảo vệ môi trường; tạo nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, ngày 21/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/01/2025.
Theo Nghị định này, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (cơ sở xả khí thải).
Đối tượng phải chịu phi bao gồm: Cơ sở xả khí thải theo quy định tại Nghị định 153/2024/NĐ-CP gồm: Cơ sở sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết); cơ sở lọc, hoá dầu; cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở sản xuất than cốc, sản xuất khí than; nhà máy nhiệt điện; cơ sở sản xuất xi măng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp không thuộc các đối tượng nêu trên.
Các cơ sở khí thải kể trên phải thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải. Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó: F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm); f là phí cố định (quý hoặc năm); C là phí biến đổi, tính theo quý.
Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.
Phí biến đổi mỗi dòng khí thải (Ci) bằng tổng số phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) và được xác định theo công thức sau: Ci= Ci(Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO).
Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, Nghị định quy định, mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4.
Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (05/01/2025) hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày 05/01/2025: số phí phải nộp = (f/12) x thời gian tính phí (tháng).
Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.
Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải: Mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4; mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như sau: Bụi và NOx (gồm N02 và NO) là 800 đồng/tấn; SOx là 700 đồng/tấn; CO là 500 đồng/tấn.
Về hình thức thu phí, Nghị định số 153/2024/NĐ-CP quy định người nộp phí thực hiện nộp phí một trong các hình thức sau:
Không dùng tiền mặt: Người nộp phí thực hiện chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng; vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước; vào tài khoản của cơ quan, tổ chức nhận tiền khác với tổ chức thu phí: Trong 24 giờ, cơ quan, tổ chức nhận tiền phải chuyển toàn bộ số tiền phí thu được vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí hoặc chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí.
Ngoài ra, Nghị định quy định tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định./.
Uông Đàm Linh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật