Cục Phổ biến Giáo dục Pháp luật phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm”

25/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 25/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phổ biến Giáo dục Pháp luật (PBGDPL) đã phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

 Hội thảo tổ chức cung cấp, giải đáp nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề thực phẩm, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, các vấn đề xoay quanh Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam, một số nước trên thế giới và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng Chủ trì tại Hội thảo do TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL và TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam. Tham gia Hội thảo còn có các chuyên gia đến từ Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp; Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và các ban, ngành, luật sư, chuyên gia ngành luật và đông đảo các doanh nghiệp,….
 
TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL và TS. Vũ Hoài Nam đồng Chủ trì tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhận định: Vệ sinh an toàn thực phẩm là một chủ đề không bao giờ hết nóng, là vấn đề nhức nhối, cấp bách, xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đối với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất là tại TP. Hồ Chí Minh như hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại càng được chú trọng, quan tâm.
TS. Vũ Hoài Nam chia sẻ: Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành vào tháng 6/2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, hành lang pháp lý cơ bản khá đầy đủ. Tuy nhiên việc triển khai quy định của pháp luật vào thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong thực tế, đã có những vụ việc vi phạm khá "nghiêm trọng”, điển hình như vụ ngộ độc bánh mỳ xảy ra gần đây hay ngộ độc tại nhà hàng ăn uống ở Hà Nội. Đây là vấn đề liên quan đến các cơ quan, trường học, khu công nghiệp hay những tổ chức đông người. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL cho biết: "Hội thảo về hành lang pháp lý an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo giục pháp luật, góp phần tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật và đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong quá trình thực thi. Sự đóng góp, chia sẻ ý kiến của các đại biểu sẽ được Cục PBGDPL tổng hợp phối hợp các đơn vị có liên quan nhằm góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ sức khỏe cộng đồng". 

Tại Hội thảo các chuyên gia cho ý kiến về các chủ đề của hội thảo như: ThS. Trần Nhật Nam - Phó Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã giới thiệu và trình bày chuyên đề về Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Tiếp đến, TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã trình bày chuyên đề về các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro pháp lý không mong muốn.
Trong phần thảo luận, trao đổi các đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều câu hỏi, bày tỏ những thắc mắc và chia sẻ tâm tư nguyện vọng với ban tổ chức. Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề quan trọng như ý thức của doanh nghiệp và người dân trong việc tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, hành lang pháp lý liên quan đến quản lý chất lượng thực phẩm trên không gian mạng, cũng như tình trạng tràn lan của hàng giả, hàng nhái, và hàng kém chất lượng... Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo uy tín và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Các đại diện doanh nghiệp trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Hội thảo “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm” là cơ hội để trao đổi, cập nhật thông tin về các quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức xã hội, đảm bảo rằng mỗi cá nhân, tổ chức đều hiểu rõ và tuân thủ quy định, hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống./.
Văn Tuyến
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »