Đồng chủ trì hội thảo là đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Tham dự hội thảo còn có đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực làm đẹp, bao gồm Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế; Cục Xử lý Vi phạm Hành chính và Theo dõi Thi hành Pháp luật, Bộ Tư pháp; cùng đại diện từ các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh ngành làm đẹp tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ, trở thành một lĩnh vực kinh doanh sôi động, thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Đặc biệt là ngành nghề có tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người do vậy Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến những quy định pháp luật quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế rủi ro, đồng thời cung cấp thông tin thực tiễn để cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành làm đẹp. Hội thảo tập trung vào ba nội dung trọng tâm, gồm điều kiện cấp phép hoạt động đối với các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm hình sự, cùng xu hướng chuyển đổi xanh. Đây được xem là định hướng tất yếu giúp ngành làm đẹp không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn pháp lý, mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với tiêu chuẩn quốc tế. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ về tình hình hoạt động và điều kiện hành nghề của ngành làm đẹp hiện nay, theo đó, hiện nay Việt Nam có khoảng 27 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ và gần 400 phòng khám chuyên khoa trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trọng Khoa thẳng thắn chia sẻ những hạn chế về nhân lực và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng dẫn đến công tác quản lý còn lỏng lẻo, các cơ sở thẩm mỹ "chui", cung cấp dịch vụ vượt phạm vi cho phép, quảng cáo sai sự thật, hoặc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, nhân lực trong ngành còn thiếu chuyên môn, nhiều người hành nghề không có giấy phép.

TS. Lê Vệ Quốc Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xử lý Vi phạm Hành chính và Theo dõi Thi hành Pháp luật, Bộ Tư pháp, với nội dung xoay quanh các quy định về xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp. Bên cạnh đó, TS. Bùi Thanh Minh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), đã chia sẻ những phân tích chuyên sâu về xu hướng chuyển đổi xanh, đồng thời đưa ra các khuyến nghị thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp chăm sóc sắc đẹp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu chia sẻ tại Hội thảo.
Trong không khí cởi mở và đầy nhiệt huyết, các đại biểu đã tích cực chia sẻ, thảo luận thẳng thắn về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp làm đẹp vi phạm, và xu hướng chuyển đổi xanh. Đáng chú ý, các ý kiến còn đề cập đến việc xây dựng bộ tiêu chí doanh nghiệp xanh cho ngành công nghiệp chăm sóc sắc đẹp. Đặc biệt, các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này mạnh dạn trình bày những điểm nghẽn mà họ gặp phải, đồng thời phối hợp cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước để tìm giải pháp tháo gỡ. Những cuộc đối thoại này không chỉ hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý mà còn tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành làm đẹp.

TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Cục trưởng, Cục Xử lý vi phạm hành chính và
theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp chia sẻ tại Hội thảo.
TS Bùi Thanh Minh, Phó trưởng Ban Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ tại Hội thảo.
Bế mạc Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc bày tỏ sự biết ơn sự có mặt của các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã đóng góp sự thành công của Hội thảo, đồng thời, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật khẳng định sự cam kết hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm xây dựng một ngành làm đẹp chuyên nghiệp, an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và tiêu chuẩn toàn cầu.

Hội thảo "Các quy định pháp luật đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp" do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức là một sự kiện thiết thực và kịp thời, phản ánh đúng nhu cầu cấp bách trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Việc phổ biến, hướng dẫn cụ thể về điều kiện cấp phép, xử lý vi phạm, cũng như xu hướng phát triển bền vững là những nội dung quan trọng, góp phần tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành làm đẹp. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp không chỉ được trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro, mà còn có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, thấu hiểu thực tiễn, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả và bền vững cho ngành chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.