Giải quyết những vấn đề pháp lý về quy trình thực hiện dự án có sử dụng đất là góp phần tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế.

11/10/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 09/10/2024, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 (Diễn đàn) đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong. Diễn đàn do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, cùng sự góp mặt của đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đại diện doanh nghiệp.

Theo Báo cáo số 332/BC-BTP ngày 13/8/2024 của Bộ Tư pháp về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiện quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, với khoảng trên dưới 40 thủ tục, được thực hiện trong khoảng 310 ngày. Điều này làm suy giảm động lực và sức gánh chịu của doanh nghiệp, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh, thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm nhận diện và làm rõ nguyên nhân của những tồn tại trên.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: “Thực hiện các dự án bất động sản thì chúng tôi thấy tồn tại mấy vấn đề: thứ nhất là thủ tục hành chính liên quan khoảng độ 15 luật. Vì vậy một dự án phải có độ khoảng 38, 40 con dấu. Có thể nói thời gian để thực hiện được dự án là vô cùng nan giải, khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản”.
Một trong các trường hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu rộng gần 420ha, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu. Tổng vốn đầu tư gần 370 tỷ đồng. Nhà đầu tư lần lượt tìm đến rồi đi do vướng thủ tục về quyền sử dụng đất mặc dù 5 năm đã trôi qua.
Ông Phan Văn Hải – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Haicorp cho biết: “Không có quyền sử dụng đất thì chúng tôi không thể xin giấy phép xây dựng, không thể làm các thủ tục phòng cháy chữa cháy, không thể hoàn tất các thủ tục để đầu tư. Chúng tôi rất mong được sớm cấp quyền sử dụng đất.”.
Dự án “trăm tỷ” này vẫn chưa biết đến khi nào sẽ được gỡ vướng. điều đó cho thấy cho dù đã có nhiều nỗ lực từ các ngành, các cấp trong hoàn thiện pháp luật liên quan dự án đầu tư có sử dụng đất với những điểm mới của Luật Đất đai 2024, Luật Xây dựng… Tuy nhiên, thực tiễn trên cho thấy vấn đề thực thi vẫn là khâu yếu, đang phần nào gây cản trở cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
 
Thực tế thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành những sự quan tâm sâu sắc, chung tay, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc không ngừng vượt khó, từng bước phát triển và góp phần to lớn vào thành tựu chung của đất nước trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Điều này thể hiện qua các số liệu kinh tế tính đến hết ngày 31/8:
- Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 511 tỷ USD, tăng 16,7%.
- Cả nước có trên 168 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trước sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những điểm nghẽn trong chính sách, thể chế và thi hành pháp luật về thực hiện các dự án đầu tư đã dần được khơi thông và hiện nay các bộ, ngành đang tiếp tục xử lý như việc dự kiến ban hành Luật sửa đổi 04 luật do Bộ KHĐT chủ trì với nhiều tư duy đột phá, xuất phát từ thực tiễn đã được Bộ Tư pháp thẩm định, thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong xây dựng luật “lưu ý, cần hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp vướng mắc, cần tháo gỡ để chỉnh lý quy định, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Hy vọng với tinh thần đó, những vấn đề quy trình, thủ tục trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết thấu đáo, phù hợp, khả thi, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiẹp phát triển và cống hiến, đóng góp cho xã hội./.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật 

Xem thêm »