Đóng góp ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại Phiên họp thứ 38, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, đây là một luật khó, có nhiều nội dung mới, vấn đề phức tạp nên cần được phân tích sâu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Luật phải đáp ứng được yêu cầu mà các Nghị quyết của Đảng, cơ quan Trung ương đề ra.
Thực hiện Phiên họp thứ 38, sáng 07/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết.
Đối tượng áp dụng khi xây dựng chính sách đã xác định “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Trong quá trình nghiên cứu, để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư và theo đúng phần vốn góp tại doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm. Theo đó, tại Điều 2 dự án về đối tượng áp dụng gồm: (1) Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; (2) Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Dự án Luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dự án Luật. Quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, để khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi các vướng mắc về quy định pháp lý gây cản trợ hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất trình Quốc hội xem xét dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8.
Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm căn cứ chính trị, đề nghị chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 cho đến khi hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 12-NQ/TW. Có ý kiến đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định đang tồn tại, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, không nên thay thế toàn bộ Luật số 69.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp Luật nêu tại Tờ trình; tuy nhiên, đề nghị trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật cần tiếp tục quan điểm để bảo đảm được các quan điểm, yêu cầu: (1) Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (2) Kế thừa những quy định của Luật số 69 đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (3) Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp Nhà nước gắn với quy định về kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Việc sửa đổi Luật phải giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một luật khó, có nhiều nội dung mới, vấn đề phức tạp nên cần phân tích sâu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Luật phải đáp ứng được yêu cầu mà các Nghị quyết của Đảng, cơ quan Trung ương đề ra...
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật phải có sự nghiên cứu, phân tích rõ những vấn đề còn đang có nhiều vướng mắc. Việc sửa đổi Luật này là phải “đủ chín, đủ rõ” thì mới sửa, để làm sao Luật sửa đổi là phải tốt hơn Luật cũ. Ngoài ra, việc đổi Luật đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước phải đảm bảo đúng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hay các Nghị quyết, Chỉ thị khác.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc sửa đổi Luật là phải làm rõ nhiệm vụ nào do Quốc hội quy định, trách nhiệm nào do Chính phủ thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền của các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp; tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các luật liên quan khác.
Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Chính phủ và các cơ quan cần rà soát lại toàn bộ dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng theo nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW hay chưa. Việc sửa đổi Luật cũng phải đảm bảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế xin cho; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó là dự án Luật phải xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đây là một luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Trường hợp không kịp tiếp thu giải trình, Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng của luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp; thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẩn trương gửi đến các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và chuẩn bị để báo cáo Quốc hội với tinh thần ưu tiên hàng đầu là đảm bảo chất lượng dự án Luật.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Các lãnh đạo Quốc hội tham dự Phiên họp
Bích Lan - Phạm Thắng