Ngày 29/8/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi làm việc với Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhằm lấy ý kiến góp ý về Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024.
Tham dự buổi làm việc, về phía Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật có đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng. Về phía Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam có đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội, đồng chí Trần Phước Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội cùng đại diện Ban đối ngoại.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc giới thiệu về mục đích và ý nghĩa của Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. Theo đó, Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" là một sự kiện thường niên nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế và thực tiễn thi hành liên quan đến đời sống pháp lý doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - pháp lý nhằm hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024 (Ngày 13/10) và Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 (Ngày 09/11). Trên cơ sở đó, đồng chí Lê Vệ Quốc bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ đại diện Hiệp hội về các khó khăn, vướng mắc pháp lý đáng quan tâm mà cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đang gặp phải.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp đã đưa ra một số vấn đề nhức nhối, trong đó nhấn mạnh sự mất cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ thanh toán của các chủ thể trong hợp đồng giao nhận thầu xây dựng. Hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa chủ đầu tư là cơ quan nhà nước và nhà thầu, trong khi chưa có quy định pháp lý rõ ràng đối với chủ đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức tư nhân. Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất cần bổ sung điều kiện xác nhận khối lượng công việc hoàn thành của các bên vào biên bản nghiệm thu, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà thầu, đặc biệt là trong vấn đề thanh toán và quyết toán. Đồng chí cũng đề nghị cần làm rõ các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư trong đấu thầu dự án sử dụng đất, quy định về phòng cháy chữa cháy, cũng như các tiêu chí tính thuế đối với nhà thầu xây dựng.
Tiếp nối ý kiến của đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp, đồng chí Trần Phước Tuấn đồng thuận với các nội dung được đề xuất đưa ra tại Diễn đàn và cho biết: Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất cách hiểu, áp dụng luật giữa các luật chuyên ngành liên quan đến dự án bất động sản. Thêm vào đó, vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc, tiêu biểu việc hoàn thuế còn chưa bình đẳng giữa các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù của mỗi ngành…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới các đơn vị tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp để tổ chức thành công không chỉ Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, mà còn đồng hành cùng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc nhận diện, lắng nghe những tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý trong thời gian tới.
Lưu Thị Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật