Bài học hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách giảm thuế

30/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) một lần nữa đề nghị phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống 8%.

Đây là nội dung công văn VCCI vừa gửi Bộ Tài chính góp ý xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT.

Lý do được đưa ra tiếp tục là, chính sách hỗ trợ này dù được chờ đợi, nhưng những khó khăn trong thực thi thời gian qua lại mang đến rủi ro cho không chỉ doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thì bất cứ sự rủi ro nào cũng sẽ là gánh nặng, dù đó là từ chính sách hỗ trợ.

Chính sách giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) là một phần trong Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện trong năm 2022, đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát.

Song, kết thúc thời hạn, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Đây là lý do Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV cho phép kéo dài chính sách này, mỗi lần 6 tháng trong Kỳ họp thứ năm và Kỳ họp thứ sáu. Lần này, cũng với lý do tương tự, tại Kỳ họp thứ bảy, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2024...

Vấn đề là, khó khăn trong việc xác định thuế suất 8 hay 10% đang gây ra nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro trong  sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả, nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.

Trong 2 năm triển khai chính sách này, Chính phủ đã phải ban hành 2 nghị định (Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP) để hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai vẫn lúng túng. Hai nghị định trên được xây dựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê, hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp tra cứu phụ lục của 2 nghị định, nhưng vẫn không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.

Thậm chí, một số doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, hải quan, nhưng các cơ quan cũng trả lời rất chung chung, như “đề nghị công ty căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối chiếu mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà công ty cung cấp với mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP để thực hiện đúng theo quy định”...

Có thể thấy, trong những trường hợp trên, chính sách hỗ trợ lại trở thành rào cản và vì vậy, hiệu quả chính sách giảm đi đáng kể. Ngay thời hạn của các đề xuất kéo dài, mỗi lần là 6 tháng, thay vì tính toán dài hạn hơn để tạo dư địa cho các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng được cho là tạo nên không ít phí tổn trong quản lý và thực thi do sự ngắt quãng của chính sách.

Tất nhiên, không thể kéo dài mãi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế phục vụ giai đoạn đặc biệt của nền kinh tế sau Covid-19, song trong bối cảnh có thêm tác động tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng, xung đột địa chính trị khác... trên thế giới, thì sức khỏe của cả doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn cần một hệ thống giải pháp tổng thể hơn, toàn diện với sự nhất quán, rõ ràng hơn trong thực thi. Yêu cầu này không chỉ đặt ra với riêng chính sách hỗ trợ thuế suất VAT...

Nguồn: Báo Đầu Tư

Xem thêm »