Thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-585 ngày 01/7/2019 của Ban quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 Bộ Tư pháp về việc chọn Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn tham gia thực hiện hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019, ngày 21/9/2019 vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lớp bồi dưỡng tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 với chuyên đề: "Triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định; Những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; những quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp"
Tham dự lớp bồi dưỡng là gần 100 đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành tỉnh: Cán bộ pháp chế hoặc cán bộ được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương trên địa bàn tỉnh; Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Tỉnh Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động; hiệp hội Doanh nghiệp; Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa; Liên minh hợp tác xã tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn luật sư tỉnh và một số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh và đại diện lãnh đạo doanh nghiệp; cán bộ pháp chế hoặc người được giao làm công tác pháp luật tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Tại lớp bồi dưỡng, các chuyên gia gồm bà Tô Thị Hợi - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng XD&KTVBQPPL đã trao đổi với các địa biểu về chuyên đề "Triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định" và bà Nguyễn Thị Hoàng Quế - Phó Chánh thanh tra Sở đã trao đổi chuyên đề "Những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; những quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp".
Các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Theo đó, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoàng Quế - Phó Chánh thanh tra Sở đã trao đổi thảo luận thêm về một số vấn đề khi thực hiện hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp để các đại biểu nắm bắt, tìm hiểu thêm, trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung:
Một là, Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về XLVPHC nói chung và xử phạt chuyên ngành nói riêng. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, đảm bảo yếu tố “tự do trong khuôn khổ pháp luật”, trước hết doanh nghiệp cần phải tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về XLVPHC nói riêng, đặc biệt là các văn bản trực tiếp điều chỉnh VPHC và xử phạt VPHC trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nên tự đặt mình vào tình trạng “tù mù” về Luật, vì sự thiếu hiểu biết pháp luật chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sai phạm. Chủ động tìm hiểu các văn bản pháp luật chính là chủ động phòng ngừa các vi phạm hoặc trong những trường hợp nhất định biết cách ứng xử khéo léo để một mặt đạt được mục đích của mình, mặt khác vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật. Để thực hiện tốt nội dung này, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức đến đội ngũ những người làm công tác pháp chế của doanh nghiệp.
Hai là, doanh nghiệp cần nắm vững một số vấn đề cơ bản về pháp luật xử phạt VPHC để chủ động phòng ngừa vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong những trường hợp nhất định như: Nguyên tắc xử phạt một lần; Nguyên tắc tổ chức bị xử phạt gấp đôi so với cá nhân; Phân biệt các tình tiết tăng nặng: VPHC nhiều lần, tái phạm, vi phạm có tổ chức; Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý VPHC theo quy định của pháp luật...
Cá nhân, tổ chức quan tâm có thể tải file tài liệu đính kèm để tham khảo.