Đẩy mạnh và đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 66/NQ-CP

31/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để kịp thời triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới, ngày 09/5/2024, Chính phủ đã ký Nghị quyết số 66/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này. Trong đó giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ đẩy mạnh và đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước đã được quy định và triển khai thực hiện trong thời gian qua theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và nhiều văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”). Đặc biệt, vừa qua, ngày 09/5/2024, Chính phủ đã ký Nghị quyết số 66/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết đã nêu 08 mục tiêu cụ thể của giai đoạn từ nay đến năm 2030 và 02 mục tiêu cụ thể đến năm 2045; đồng thời đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp cần thể chế hóa và tổ chức triển khai. Trong đó Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ đẩy mạnh và đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội. Đồng thời  nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trình Chính phủ trong năm 2024.

Việc đặt ra yêu cầu nêu trên đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang từng bước hồi phục và có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau một khoảng thời gian phải chịu tác động tiêu cực từ sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid – 19. Hỗ trợ pháp lý thông qua việc cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao hiểu biết, kỹ năng áp dụng và thực thi pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, hạn chế các rủi ro pháp lý, tranh chấp doanh nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo đánh giá từ các lần khảo sát cho thấy là cần thiết. Qua một số tọa đàm do Bộ Tư pháp tổ chức thời gian gần đây thì dường như còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa biết đến chính sách hỗ trợ pháp lý theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 55/2019/NĐ-CP và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ báo cáo kết quả của các bộ, cơ quan, địa phương, việc hỗ trợ pháp lý theo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành mặc dù đã được triển khai nhưng còn tập trung chủ yếu vào các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Vẫn còn tình trạng giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp luật cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh…

Cùng với hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp còn có trách nhiệm liên quan đến công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến. Nghị quyết yêu cầu các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiệm túc các nhiệm vụ được giao tại 09 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết số 99/NQ-CP[1] ; Nghị quyết số 139/NQ-CP[2]; Nghị quyết số 68/NQ-CP[3]; Nghị quyết số 76/NQ-CP[4]; Nghị quyết số 68/NQ-CP[5]; Nghị quyết số 131/NQ-CP[6]; Nghị quyết số 45/NQ-CP[7]; Nghị quyết số 58/NQ-CP[8]; Quyết định số 411/QĐ-TTg[9]).

Để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của Nghị quyết, Bộ Tư pháp đang tích cực, tập trung nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Hiện nay, để gắn việc hỗ trợ thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp và công tác truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, từ ngày 01/02/2024, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được chuyển giao từ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sang Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp[10]. Qua đó tạo cơ sở thực hiện gắn kết nhiệm vụ này với công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp.

 

[1] Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

[2] Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
[3] Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
[4] Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
[5] Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.
[6] Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
[7] Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
[8] Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
[9] Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
[10] Quyết định số 142/QĐ-BTP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28 tháng 6 năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Quyết định số 996/QĐ-BTP ngày 09 tháng 6 năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguyễn Thanh Tùng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »