Lãnh đạo các bộ ngành Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước này mong muốn sẽ có mặt tại Việt Nam, tham gia hợp tác dự án hạ tầng lớn.
Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ sáng 30/11 tại thủ đô Ankara, ông Cagatay Ozden, Trưởng bộ phận châu Á Thái Bình Dương, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp lớn của nước này đã tham gia vào các dự án hạ tầng cơ sở tại Việt Nam.
Theo ông Cagatay Ozden, nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có thế mạnh xây dựng dự án hạ tầng cơ sở, cung cấp dịch vụ như xây dựng sân bay, cầu cảng và mong muốn đầu tư, hợp tác các dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam.
Ngoài IC Itas thuộc tập đoàn IC Holdings đã trúng thầu dự án nhà ga hành khách sân bay Long Thành, còn có dự án 250 triệu USD của công ty Hayat - tập đoàn chuyên sản xuất đồ gia dụng, xây dựng khu công nghiệp. Doanh nghiệp này cũng mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều doanh nghiệp tiềm năng lĩnh vực công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm Halal. Các doanh nghiệp công nghệ tài chính nước này cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ ngành hai nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ dự diễn đàn doanh nghiệp sáng 30/11. Ảnh: Nhật Bắc
Ông Volkan Agar, Thứ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh giá ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của Việt Nam khi tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm tương đồng.
"Việt Nam là cường quốc kinh tế trong khu vực nhờ dân số trẻ. Chúng tôi coi là đối tác quan trọng thâm nhập vào thị trường ASEAN. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của chúng tôi", ông nói và cho rằng hai nước có nhiều lĩnh vực hợp tác như công nghệ cao, công nghệ quốc phòng.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Faith Kacir cho biết xuất khẩu công nghiệp quốc phòng nước này dự kiến đạt 6 tỷ USD năm 2023. Nước này sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn ví dụ doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên danh trúng gói thầu xây nhà ga hành khách sân bay Long Thành 35.000 tỷ đồng, khẳng định sẽ tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ sáng 30/11. Ảnh: Nhật Bắc
Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, gỡ vướng cho doanh nghiệp. Việt Nam cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, giảm chi phí logistics của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
"Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh", Thủ tướng nói và cho biết hai nước sẽ đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường đầy đủ và tiến tới nâng cấp quan hệ.
Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, lấy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển.