Hội nghị đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp được tổ chức ngày 18/10/2023
Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2023 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Sở Tư pháp tỉnh An Giang, đã phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại chuyên sâu trao đổi về Những vấn đề pháp lý về
“ Huy động vốn trong đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp qua một số vụ việc cụ thể”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – Bộ Tư pháp năm 2023.
Tham dự hội nghị có các lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh An Giang, Hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh An Giang, một số Tổ chức Hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh An Giang, các cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Ông Lê Anh Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đã chia sẽ niềm vui mừng về việc ngày 10/10/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân (DN) thời kỳ mới. Đây được xem là “món quà đặc biệt”, nguồn năng lượng mới tạo điều kiện để đội ngũ DN lớn mạnh, góp phần thực hiện khát vọng dân tộc trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Ông Văn cũng nhấn mạnh, Nghị quyết có rất nhiều cụm từ nói đến
“ thượng tôn pháp luật của đội ngũ doanh nhân” qua đó đòi hỏi công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải tiếp tục chú trọng và triển khai có hiệu quả, nâng tầm một bước về văn hóa pháp lý trong kinh doanh của doanh nhân.
Tại hội nghị các doanh nghiệp đã được nghe chuyên gia, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi và các chuyên gia được mời từ Khoa Luật Đại học Cần Thơ và các đại biểu diễn giả, doanh nghiệp tại địa phương đã trao đổi nội dung chuyên đề tư vấn pháp luật về
“Huy động vốn trong đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp qua một số vụ việc cụ thể”, các đại biểu và diễn giả cùng thống nhất nhận định, việc huy động vốn của doanh nghiệp là hoạt động vay vốn của doanh nghiệp từ các chủ thể khác trên thị trường nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh (ngoài vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lựa chọn sai hình thức huy động vốn sẽ làm hạn chế cơ hội kinh doanh của công ty đồng thời làm tăng nguy cơ cao về nợ xấu của doanh nghiệp. Các hình thức huy động vốn vào doanh nghiệp gồm: Vốn góp ban đầu; huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng; huy động vốn bằng phát hành trái phiếu; huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu; huy động vốn từ lợi nhuận không chia; huy động vốn bằng tín dụng thương mại; huy động vốn bằng cách thỏa thuận vay tiền từ tổ chức, cá nhân khác trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều vướng mắc pháp luật khi doanh nghiệp huy động vốn, Ví dụ có thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định hoặc chủ đầu tư sau khi hoàn thành xong dự án (bàn giao căn hộ) nhưng chưa giải chấp ngân hàng khoản vay vốn đầu tư, xây dựng dự án trước đó, dẫn đến người mua nhà không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ngoài ra cũng còn nhiều hình thức lách luật để huy động vốn, dẫn đến nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân còn gặp nhiều lúng túng về cơ chế giải quyết. Những vấn đề đặt ra cho cơ quan Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật trong huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nhận thức rõ các quy định pháp luật để phòng ngừa rủi ro pháp lý khi đầu tư, huy động vốn vào trong kinh doanh.
Hội nghị diễn ra sôi nổi, có nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá của các đại biểu đã được Ban Tổ chức và chuyên gia giải đáp, ghi nhận và tổng hợp.