Hội nghị đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức tại TP. Thanh Hóa ngày 10/8/2023

14/08/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chuyên đề: Tư vấn các chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (giai đoạn 2023 - 2030).

Ngày 10/8/2023, Trung tâm Hỗ trợ pháp lý và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DNNVV Việt Nam) phối hợp với Trường Bồi dưỡng Cán bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức hội nghị đối thoại chuyên sâu về Chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2021 – 2030.  Hội nghị được tọa đàm trực tiếp và trực tuyến.
 

Mục đích Hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2030, tăng cường hợp tác và thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, trao đổi những giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hướng các hoạt động hỗ trợ về với cơ sở . Đồng thời, thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2023 của Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý và Phát triển nguồn nhân lực, cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm hỗ trợ pháp lý cho cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 1 chương trình riêng về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đến năm 2025.
Điều đó cho thấy, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang được Chính phủ, bộ, ngành coi đó là yêu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhất là trong điều kiện cả hệ thống chính trị của nước ta đang dồn sức cho thúc đẩy, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tại hội nghị, các Luật sư của Đoàn luật sư Hà Nội, các Giảng viên của Trường Bồi dưỡng cán bộ Quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu tại địa phương đã thẳng thắn trao đổi về phương thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc điểm tình hình doanh nghiệp tại địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn cụm công nghiệp, làng nghề, đa phần là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các quỹ tín dụng hoạt động tài chính vi mô, các tổ hợp kinh doanh nhỏ lẻ. Do vậy, vấn đề hỗ trợ pháp lý cần nắm bắt những chuyên đề, nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, để thực hiện trúng và đúng, nâng tầm được hiểu biết pháp luật của chủ doanh nghiệp. Hội nghị cũng được các luật sư của Đoàn luật sư Hà Nội, Thanh Hóa, cụ thể như Luật sư Lê Quang Ngọc - Trưởng ban pháp chế Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), chia sẻ các vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh về các loại hợp đồng, đặc biệt các loại hợp đồng tín dụng, hợp đồng lao động.

Theo Luật sư Lê Quang Ngọc, hiện nay, các rủi ro về pháp lý rất tiềm ẩn đối với doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, việc thực hiện các hợp đồng kinh tế nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật khiến doanh nghiệp có thể phải trả giá rất đắt. Luật sư Lê Quang Ngọc nhấn mạnh: "Thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế mà bản thân doanh nghiệp để các điều khoản mâu thuẫn, gây bất lợi hoặc thiệt hại cho mình nhưng lại không biết. Ngoài ra, vì không rõ pháp luật, nhiều giao dịch ký kết tạo sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại cho chính bản thân doanh nghiệp", 

Theo Luật sư Ngọc, các doanh nghiệp nên có những trang bị kỹ lưỡng về pháp lý trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Ông Ngọc cũng đề nghị, cần có nhiều hơn nữa những khóa đào tạo, huấn luyện trao đổi để doanh nghiệp nhỏ và vừa bớt bỡ ngỡ khi có những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Hội nghị nhận được nhiều chất vấn, đối thoại trực tiếp và trực tuyến ở các điểm cầu. Các tình huống thực tế doanh nghiệp đưa ra được các chuyên gia tại hội nghị phân tích cụ thể, dễ hiểu và đúng với các quy định pháp luật hiện hành.
 
 

Xem thêm »