Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 -2025 tổ chức Hội nghị đối thoại tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

04/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trên cơ sở Kế hoạch số 1237/KH-HTPLLN ngày 04/4/2023 của Trưởng ban Ban Quản lý HTPLLN. Sáng 30/6, tại TP Hạ Long, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị đối thoại: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những quy định tác động đến doanh nghiệp và góp ý hoàn thiện.

Ông Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan nhà nước như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hạ Long. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, các công ty luật, văn phòng luật sư và đại diện các báo, đài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Công ty Luật TNHH Duy Ích, Công ty Luật TNHH Tiến Đông, Văn phòng Luật sư Công lý, Báo Đất Việt, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Quảng Ninh…


Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng… những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Việc xây dựng Luật Đất đai lần này nhằm đảm bảo các tiêu chí sau:
 - Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.
- Đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể, chiến lược, lâu dài của hệ thống pháp luật; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng và không gian sử dụng.
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.
- Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung tác động đến doanh nghiệp (như: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Tài chính về đất đai, giá đất, Chế độ sử dụng đất, Thủ tục hành chính về đất đai…). Về nội dung cụ thể, các đại biểu được nghe trình bày cụ thể của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự thảo Luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác hiện hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, một số luật cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, như dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... nên việc rà soát, bảo đảm tính tương thích, thống nhất là một vấn đề quan trọng. Với mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cung cấp thêm thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp trong quá trình tham gia hoàn thiện dự thảo Luật, Ban Quản lý CTHTPLLN cho DNNVV giai đoạn 2021 – 2025 và Vụ PLDSKT, Bộ Tư pháp phối hợp Hội nghị đối thoại “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những quy định tác động đến doanh nghiệp và góp ý hoàn thiện”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến, góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, qua nghe thông tin về một số nội dung mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt là những quy định có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các đại biểu dự hội thảo đã tham gia phát biểu ý kiến tham luận, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật.
Trong đó tập trung vào một số nội dung, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT và Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã tham gia ý kiến, góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Tài chính đất đai, định giá đất, giá thuê đất, các khoản thu ngân sách từ đất đai; việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển KT-XH thông qua việc thảo thuận về nhận quyền sử dụng đất; điều kiện đối với tổ chức nước ngoài khi nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quy định về điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất…

Góp ý về định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Đóng góp ý kiến đối với áp dụng phương pháp định giá đất tại Điều 158 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Đàm Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Với quy định như dự thảo thì chắc chắn phải thức hiện cả 4 phương pháp thì mới xác định dược phương pháp nào là có lợi nhất cho ngân sách nhà nước. Điều này càng gây khó khăn trong tổ chức thực hiện của địa phương".
Do đó, ông Đàm Trung Hiếu đề xuất bổ sung vào luật quy định điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất và chỉ áp dụng 1 phương pháp cho một đối tượng cụ thể khi đã có đầy đủ thông tin đầu vào. Trường hợp không có đầy đủ các thông tin đầu vào thì mới áp dụng các phương pháp khác.
Còn luật sư Hoàng Thị Lan - Công ty TNHH Tiến Đông, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh đặt câu hỏi, cụm từ "nguyên tắc thị trường" tại điểm a Khoản 1 Điều 158 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là nguyên tắc giá thị trường hay nguyên tắc áp dụng phương pháp định giá đất của thị trường? Do đó, đề nghị bổ sung quy định tại điểm a "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc giá trị thị trường", đồng thời bổ sung giải thích từ ngữ "nguyên tắc (giá) thị trường" tại Điều 3.
Đồng quan điểm, luật sư Mai Thị Lan, Công ty TNHH Tiến Đông cũng cho rằng "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường" vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính về đất đai phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Góp ý về bảng giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Đối với quy định về bảng giá đất tại Điều 159 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, việc bỏ khung giá đất để giá đất được xây dựng phù hợp với thị trường, tránh tình trạng thửa đất có nhiều mức giá. Tuy nhiên đối với việc công nhận quyền sử dụng đất (lần đầu, trong hạn mức) của hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng lớn do mức giá đã sát thị trường. Do đó, đề nghị có chính sách đối với trường hợp này và giao Chính phủ quy định.
Còn luật sư Hoàng Thị Lan đề xuất tại Khoản 1, Điều 159 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, khoảng thời gian phù hợp để lập bảng giá đất là 2 năm/lần nhằm đảm bảo tính ổn định của kinh tế, thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần làm rõ trường hợp cần thiết điều chỉnh giá đất là trường hợp nào.

Góp ý về xác định quy mô dự án nhà ở thương mại trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Góp ý về điểm b Khoản 1 Điều 126 dự thảo Luật đất đai sửa đổi, theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, không có căn cứ khoa học và thực tiễn để quy định chỉ đấu thầu dự án khu đô thị, nhà ở thương mại từ có quy mô từ 10ha trở lại tại khu vực nông thôn và 5ha trở lên tại khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, tại 2 Điều 125 và 126 quy định việc sử dụng đất để thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại chỉ thông qua 2 hình thức đấu giá và đấu thầu. Do đó, đề nghị nghiên cứu lược bỏ tiêu chí diện tích đối với loại hình dự án đô thị và nhà ở thương mại, chỉ để tiêu chí loại hình dự án đô thị và nhà ở thương mại.
Các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Tư pháp) ghi nhận, tổng hợp, gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành sẽ trở thành đạo luật tạo ra bước đột phá trong cơ chế quản lý, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện và khai thông các nguồn lực cho đất nước.
 
 

Xem thêm »