Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

23/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiều 12/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh - Trưởng Ban Quản lý Chương trình HTPLLN chủ trì Hội đồng thẩm định. Tham gia cùng dự có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và đại diện của các cơ quan, bộ, ngành (Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp).

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nêu rõ, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Với mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.”. Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng đã đề ra 11 nội dung cải cách, 05 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó xác định nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội”.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH.
Về cơ sở thực tiễn, qua hơn 07 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: (i) diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng[1]; (ii) tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH ở nhiều địa phương, doanh nghiệp[2]; (iii) chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; (iv) một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay;..  Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH ở nhiều địa phương, doanh nghiệp; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay;..  
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày bố cục và những nội dung chính của dự thảo Luật. Cụ thể:

Về Bố cục:

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 135 Điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều), trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, trong đó có bổ sung 02 nội dung mới (trợ cấp hưu trí xã hội và Quản lý thu, đóng BHXH), bỏ mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động); tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ.
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật:
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bám sát 05 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15, tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri; những ý kiến tham gia góp ý của các Ban, bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản. So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật có một số nội dung thay đổi chính như sau:
 (1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng
 (2) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3)
(3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
(4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện (mục 1 Chương VI từ Điều 99 đến Điều 103):
(5) Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 71).
(6) Về BHXH một lần
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: (i) dễ dàng hơn điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); (ii) người lao động có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (iii) trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo. Bên cạnh đó, về quy định hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo đang có 02 phương án xin ý kiến (điểm đ khoản 1 Điều 77).
 (7) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (từ Điều 36 đến Điều 44)
(8) Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc (Điều 37): Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố); đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hường tiền lương;..), đặc biệt cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
(9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW
(10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả
(11) Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (Điều 125): Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Xã hội tại Báo cáo số 25/BC-UBXH15-m ngày 07/12/2021 và ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 59/BC-CP ngày 18/11/2021; dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 02 phương án về việc xác định tính chi phí quản lý BHXH tại khoản 2 Điều 125: (i) Phương án 1: tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH. (ii) Phương án 2: tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH.  
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, bộ ngành đã có ý kiến tập trung vào các nội dung sửa đổi, bổ sung mới như: cách tính, phương thức tính toán chế độ trợ cấp hưu trí xã hội để đảm bảo khả thi; quy định về bảo hiểm xã hội một lần đảm bảo quyền lợi của người lao động, tránh phản ứng không tốt trong dư luận xã hội; nghiên cứu, luật hóa các quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung; quy định về cách tính chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả.... 
Tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án Luật  Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Nội dung dự án Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; cụ thể hóa được các quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách BHXH, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHXH, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh một số nội dung. Thứ nhất, đối với quy định các mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng (500.000 đồng/người/tháng) và mức trợ cấp mai táng (10.000.000 đồng) tại dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình căn cứ, cơ sở quy định mức trợ cấp trên; đồng thời đề xuất giao giao Chính phủ quy định mức trợ cấp này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, đối với quy định về Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (khoản 1 Điều 94), dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bỏ quy định trách nhiệm chỉ đạo, giám sát và tư vấn chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội; bỏ đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế ra khỏi Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội; quy định Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ. Quy định như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có thể dẫn đến yêu cầu cần phải thành lập các Hội đồng quản lý về bảo hiểm thất nghiệp, Hội đồng quản lý về bảo hiểm y tế để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh quy định này.
Thứ ba, Thứ trưởng nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội một lần là chính sách lớn, là vấn đề phức tạp; việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án, quan điểm lựa chọn của mình và rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với điểm đ khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật; đồng thời tăng cường công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội một lần.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh một số nội dung khác như: lược bỏ các quy định thuộc pháp luật chuyên ngành như liên quan đến thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại tố cáo; rà soát, điều chỉnh các quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn; quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội; bổ sung các quy định đặc thù dành cho lực lượng vũ trang.../.
 
[1] Số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi
[2] Số chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN giai đoạn 2016-2021 bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm

Xem thêm »