UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2024

30/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 17/01/2020, UBND tỉnh đã quyết định ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 (sau đây gọi là Chương trình).

Chương trình nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DNNVV; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp DNNVV kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp; nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh; đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với DNNVV trên địa bàn tỉnh.

     Chương trình được thực hiện đối với DNNVV trên địa bàn tỉnh, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động. Chương trình được thực hiện với các nội dung chính sau:

     1. Cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như: Hình thành chuyên mục về thông tin hỗ trợ; biên soạn sách, tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của DNNVV; cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh của DNNVV trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; cập nhật và đăng tải bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc kết nối với cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này; hệ thống hóa, cập nhật dữ liệu về văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của DNNVV trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

     2. Thành lập và kiện toàn mạng lưới tư vấn pháp luật cho DNNVV, đội ngũ cộng tác viên là cán bộ pháp chế các sở, ngành; cán bộ Tư pháp các huyện, thành phố và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan.

     3. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý, cán bộ pháp chế DNNVV; cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý, mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho DNNVV theo các chủ đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

     4. Tư vấn pháp luật cho các DNNVV thông qua đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp và nguồn lực của tỉnh.

     5. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở các nội dung của Chương trình, UBND tỉnh giao:

     - Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn đội ngũ tư vấn viên pháp luật và xây dựng kế hoạch hằng năm để cụ thể hóa các nội dung của Chương trình và triển khai tổ chức thực hiện; tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định;

     - Các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chương trình; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình định kỳ hoặc đột xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) khi có yêu cầu./.

File đính kèm:

Xem thêm »