Doanh nghiệp Nhật ấn tượng với 'sức mạnh mềm' về nhân lực của Việt Nam

22/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng nhân lực của Việt Nam tại đây rất thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là "sức mạnh mềm" mà nước này phải học hỏi.

Chiều 21/5 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp lớn của Nhật và dự tọa đàm kinh doanh Việt - Nhật, nhân dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tại Hiroshima.

Chia sẻ với Thủ tướng, Hạ nghị sĩ Kobayashi Fumiki nêu ấn tượng với sự thay đổi, phát triển của Việt Nam khi có dịp thăm TP HCM cuối năm ngoái.

Theo ông, nhân lực của Việt Nam rất thành công tại Nhật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là "sức mạnh mềm" mà nước này phải học hỏi. Vì thế, hai nước cần hợp tác để tận dụng nguồn lực này. "Hiroshima có thế mạnh về sản xuất chất bán dẫn, nhiều doanh nghiệp về cơ khí muốn đầu tư sang Việt Nam", ông nói.

Đại diện Liên đoàn Kinh tế khu vực Kyushu cũng cho rằng môi trường kinh doanh Việt Nam hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp của vùng muốn đầu tư vào đây. Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh cấp phép, thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại toạ đàm kinh doanh Việt - Nhật, chiều 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại toạ đàm kinh doanh Việt - Nhật, chiều 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Hợp tác với một doanh nghiệp Việt từ năm 2011, đại diện Tập đoàn Mazda cho biết đến nay hãng đã bán được hơn 30.000 xe ôtô, với 4 mẫu xe được sản xuất tại Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Với xu hướng mới về sử dụng năng lượng sạch, tiến tới trung hòa carbon, đại diện Mazda đề nghị Chính phủ có chính sách kỹ thuật với xe điện, chuyển dịch kinh tế tuần hoàn, phục vụ biến đổi khí hậu.

Cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn, song đại diện Tập đoàn Rorze - sản xuất chất bán dẫn - bày tỏ mong muốn Chính phủ thúc đẩy năng lượng xanh, cung ứng điện ổn định. "Khách hàng cuối cùng là Apple đưa ra cam kết trung hòa carbon năm 2030 nên chúng tôi cần hưởng ứng năng lượng xanh", đại diện Tập đoàn Rorze cho biết.

Ông nói thêm, giá đất ở Việt Nam tăng cao, chưa có dấu hiệu dừng lại đang ảnh hưởng tới đầu tư. Dù vậy, tập đoàn này khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng vì coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng.

Để đầu tư mở rộng, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ thủ tục hành chính như giấy phép đầu tư dễ dàng hơn; xóa bỏ tình trạng tắc nghẽn khi thực hiện thủ tục tập trung.

 
Chủ tịch Jetro Ishiguro Norihiko phát biểu tại toạ đàm kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản, chiều 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ tịch Jetro Ishiguro Norihiko phát biểu tại toạ đàm kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản, chiều 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

Ông chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ôtô điện, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng muốn phía Nhật Bản, các nhà đầu tư nước này hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị; cũng như tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các doanh nghiệp Nhật Bản tại toạ đàm kinh doanh Việt - Nhật, chiều 21/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các doanh nghiệp Nhật Bản tại toạ đàm kinh doanh Việt - Nhật, chiều 21/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Nhật Bản là đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Đây cũng là nước cung cấp các khoản vay ưu đãi ODA lớn nhất cho Việt Nam, khoảng 2.980 tỷ yen (gồm ODA vốn vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ hợp tác kỹ thuật) từ năm 1992.

Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.

Tối 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hiroshima, Nhật Bản, kết thúc ba ngày dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 và làm việc tại Nhật Bản.
Vietnamexpress

Xem thêm »