Hội nghị đối thoại về Hoàn thiện chính sách và pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

15/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 12/5/2023, tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị đối thoại về Hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Thực hiện Kế hoạch số 1237/KH-HTPLLN ngày 04/4/2023 của Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 nhằm kịp thời tiếp nhận những vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng như thu thập ý kiến đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vào hồ sơ dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, ngày 12/5/2023, tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị Đối thoại về Hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Ông Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan nhà nước như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của nhiều hội, doanh nghiệp, các công ty luật, văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như: Văn phòng đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt, Văn phòng Luật sư Nguyễn Đình Thơ, Văn phòng Luật Sư Nguyễn Hồng Hà, Văn phòng Luật sư Thụy, Công ty Luật Nha Trang, đại diện các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Vietinbank v.v.

Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã nghe nhiều tham luận về thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại tỉnh Khánh Hòa và đề xuất, kiến nghị trong các lĩnh vực như đầu tư, lao động, tư vấn pháp lý, kinh doanh v.v. của đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Luật sư Nguyễn Đình Thơ, Hội Doanh nhân Nữ, Trung tâm Ươm tạo Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST v.v.
Sau khi nghe các tham luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia về hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Việc ban hành Chương trình hành động quốc gia một mặt đáp ứng yêu cầu của xu thế kinh doanh có trách nhiệm của thế giới, bảo đảm phù hợp với Chương trình nghị sự 2030, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Các đại biểu khẳng định kinh doanh có trách nhiệm là chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi và thảo luận về các giải pháp cụ thể trong dự thảo Đề án cũng như cung cấp bổ sung thông tin về thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã đem đến cho tỉnh Khánh hòa tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ và được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch – dịch vụ lớn của cả nước. Với đặc thù phát triển kinh tế gắn liền với ngành du lịch, dịch vụ nên việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm là cần thiết đối với tỉnh Khánh Hòa. Các đại biểu cũng khẳng định về một số kết quả đạt được trong quá trình thực hành kinh doanh có trách nhiệm đến nay tập trung vào các lĩnh vực như lao động, môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì các đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, như: đề nghị các cơ quan nhà nước có liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư; phòng cháy, chữa cháy, hoàn thiện pháp luật để bảo đảm quyền của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh bất động sản và nuôi trồng thủy hải sản được hiệu quả; rà soát và đánh giá cụ thể về các điều kiện bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ Đề án; tiếp tục quan tâm đến công tác nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vì đây là các đối tượng trực tiếp góp phần tích cực vào thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Kết thúc Hội nghị, ông Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tham gia ý kiến của các đại biểu trong việc hoàn thiện dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia về hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Bộ Tư pháp – cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Đề án sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến hợp lý của các đại biểu để rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ đề ra đồng thời bảo đảm tính khả thi và hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xem thêm »