Nhiều doanh nghiệp tiếp tục giảm lương, cắt nhân sự

21/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Giảm lương, cắt nhân sự và dừng đầu tư mới là động thái đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong lúc chờ tín hiệu rõ hơn từ nền kinh tế và chính phủ.

Năm ngoái, Phan Hồng Phúc quyết định lập công ty riêng sau thời gian tích lũy kinh nghiệm từ vị trí trưởng phòng kỹ thuật ở một nhà thầu xây dựng lớn. Nhưng "đứa con tinh thần" của anh chưa kịp trưởng thành đã đối mặt nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản đi xuống.

"Hợp đồng xây dựng mới dần ít đi, những dự án đang triển khai bị chậm vốn, không đạt tiến độ, có lúc buộc phải dừng lại vì thiếu kinh phí", Hồng Phúc, Giám đốc công ty Xây dựng Phan Lê AP nói.

Giai đoạn đầu năm nay, doanh thu công ty anh giảm hơn 50% so với 2021. Phúc vẫn giữ nguyên số lượng nhân sự nhưng cắt giảm lương và phúc lợi. "Thời gian tới sẽ còn khó khăn nhiều hơn nữa", anh dự báo.

Chung cảnh ngộ, Phúc Thanh - một nhà cung cấp thiết bị âm thanh - cũng giảm 40% doanh thu trong quý IV/2022 và 50% trong hai tháng đầu năm nay. Nguyên nhân là các dự án lớn tạm dừng và thu nhập người dân co lại khiến nhu cầu của doanh nghiệp lẫn gia đình đều giảm.

"Chúng tôi chuyển nhân viên kỹ thuật đơn thuần sang kiêm nhiệm kinh doanh, hỗ trợ khách hàng", ông Phạm Văn Nguyên, Phó giám đốc cho biết. Cùng với đó, công ty này cắt giảm nhân sự giao nhận để chuyển sang thuê ngoài và cắt bớt ngân sách tiếp thị.

Thu hẹp quảng cáo, giảm lương và cắt người là các biện pháp thắt chặt chi phí phổ biến ở doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế hiện nay. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, quý I, thu nhập bình quân của lao động các ngành xây dựng, bất động sản, sản xuất và phân phối điện, khí đốt đều giảm.

Khảo sát


Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay và triển vọng kinh doanh sắp tới

1. Bạn đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay so với cùng kỳ năm ngoái?






Bên cạnh các giải pháp trên, một số công ty đã sáng tạo nhiều cách thức khác để vượt khó. Đặng Hoàng Minh, CEO Cooky - một startup ngành thực phẩm chế biến, đóng gói - cho biết đang cố gắng "giảm lỗ hết mức có thể".

Ngoài trả lương nhân viên một phần, ông cho biết công ty trả bằng thực phẩm do chính công ty sản xuất. Ngoài ra, ông chuyển sản xuất từ TP HCM đến Đồng Nai để gần vùng nguyên liệu, giúp giảm chi phí logistics lẫn nhân công. "Những hoạt động cần nhiều lao động thì chuyển sang ứng dụng công nghệ", Hoàng Minh nói ở một diễn đàn tháng trước.

Một số đơn vị còn thu hẹp không gian làm việc để tiết kiệm. Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) cho biết tỷ lệ trống của văn phòng hạng B - phân khúc trung cấp - tại TP HCM vào quý I là khoảng 12,3%, tăng 4,4 điểm phần trăm so với quý IV/2022.

Đây là hệ quả của việc khách thuê - chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam ngành tài chính, bất động sản, thương mại và công nghệ - thu hẹp diện tích sàn, trả mặt bằng, theo Knight Frank.

Doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư mới. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý đầu năm ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2019 (thời điểm chưa xuất hiện Covid-19), đạt 756.700 tỷ đồng, giảm gần 36%.

"Nhiều lãnh đạo phải viết lại chiến lược cho doanh nghiệp, chuyển từ chế độ 'tấn công' sang 'phòng thủ'", Đại diện Payoo nói. Payoo là nhà cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến cho 40 ngân hàng, ví điện tử và trực tiếp tại hơn 25.000 điểm bán toàn quốc.

Theo quan sát của công ty này, biện pháp sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí cho những hoạt động tiêu tốn nhiều nguồn lực như R&D (nghiên cứu và phát triển), tạm ngưng mở mới điểm bán hay thậm chí cắt lỗ để tồn tại đang được nhiều công ty "hành động quyết liệt" để "bật chế độ an toàn".

 
Từ tầng 3 đếng tầng 6 của toà nhà Bitexco (TP HCM)đóng cửa bảo trì vào tháng 3. Ảnh: Phong Anh

Từ tầng 3 đếng tầng 6 của toà nhà Bitexco (TP HCM) đóng cửa bảo trì vào tháng 3. Ảnh: Phong Anh

Các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng "thắt lưng buộc bụng". Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý I do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab thực hiện, dự báo đầu tư và số lượng lao động "chắc chắn sẽ bị đóng băng" trong quý II, dù cho doanh thu cải thiện.

Liên quan kế hoạch đầu tư, 5% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm đáng kể, tương đương mức quý I. Tuy nhiên, tỷ lệ định tăng vừa phải mức độ đầu tư đã giảm nhẹ từ 20% trong quý I xuống còn 19%. Với lao động, 4% được hỏi muốn giảm sâu nhân sự (so với 3% của quý I). Trong khi, tỷ lệ muốn tăng vừa phải quy mô đội ngũ giảm từ 29% xuống còn 23%.

"Đơn đặt hàng đang tăng lên, trong khi mức đầu tư và tuyển dụng tương đối thấp. Điều này cho thấy đây vẫn là giai đoạn 'chờ đợi và quan sát' đối với nhiều công ty", Giám đốc điều hành Decision Lab Thue Quist Thomasen bình luận.

Trong quý I, PCI do EuroCham công bố đạt 48 điểm, tương đương với quý IV/2022. Con số dưới 50 phản ánh môi trường đang tiêu cực.

%Kế hoạch đầu tư và nhân sựKhảo sát PCI của EuroCham3333444420201919292923235353585851515555151510101414121255553344Tăng đáng kểTăng vừa phảiGiữ nguyênGiảm vừa phảiGiảm đáng kểĐầu tư quý IĐầu tư quý IINhân sự quý INhân sự quý II0255075100VnExpress | EuroChamNhân sự quý I● Giảm đáng kể: 3

Bối cảnh chưa mấy sáng sủa nhưng theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit vẫn đáng khích lệ là "tình hình không xấu thêm đi". Chuyên gia này lạc quan với những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể tác động trực tiếp đến tăng trưởng.

"Chúng tôi mong có thêm thông tin về những thay đổi được đề xuất này", ông nói. Tính thanh khoản cũng đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây, và EuroCham nhìn thấy dấu hiệu từ Chính phủ trong việc muốn cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp.

Ông Gabor Fluit nói cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang kỳ vọng nhà quản lý có "các biện pháp hiệu quả hơn trong nửa cuối năm nay". Trong lúc chờ đợi, một số doanh nghiệp tiếp tục tìm cách mở rộng những dịch vụ, sản phẩm mới hoặc rẻ hơn để cải thiện tình hình.

Bà Vũ Ngọc Tú, Giám đốc điều hành Sakuko cho biết đang tìm thêm sản phẩm chất lượng nhưng giá cả tốt để khách hàng mua sắm trong giai đoạn chi tiêu khó khăn. Còn ông Phạm Văn Nguyên của Phúc Thanh nói nhờ tìm kiếm khách hàng ở phân khúc mới như phục vụ giáo dục, phòng họp, báo cháy hay thậm chí là nhà thờ đã giúp doanh thu công ty có tín hiệu khởi sắc từ tháng 3.

Uuviet Solutions thì cung cấp các thiết bị phòng tắm cao cấp nhập khẩu. Các dự án lớn chững lại khiến nhà phân phối này phải tập trung bán các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm đính kèm để tăng thanh khoản cho dòng tiền. Bà Đào Ngọc Thanh Uyên, Tổng giám đốc công ty này cho biết doanh thu thấp hơn nhưng cách này giúp tiền về liên tục, lấy ngắn nuôi dài cho những dự án lớn. Công ty bà cũng định hướng phát triển ngành mới về nệm và bếp để có thể tối giản nguồn lực, chi phí quản lý hiệu quả.

Còn trong ngành xây dựng của Hồng Phúc, không có nhiều lối ra có thể tự xoay sở mà chủ yếu chờ chính sách. Anh kỳ vọng doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất phù hợp hơn. Giải quyết nhanh vướng mắc các dự án tồn đọng, tinh gọn thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng là điều mong mỏi lớn để các doanh nghiệp hồi sinh.

Phúc cho biết vẫn còn cố bám trụ, dù đôi lúc muốn chuyển sang lĩnh vực khác, bởi anh tiếc phải bỏ 10 năm kinh nghiệm đúc kết trong ngành xây dựng. "Được ngày nào hay ngày đó chứ bỏ rồi bắt đầu một công việc mới lúc này cũng không khả thi", Phúc bình luận về ý tưởng "đập đi xây lại" cho sự nghiệp của mình.

Xem thêm »