Mặc dù nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách thủ tục hành chính nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có quy mô lớn.
(baodautu.vn) Sáng 24/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo khảo sát cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, song song với việc chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy xuất khẩu cần phải được sớm khơi thông nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
|
Hội nghị có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện cơ quan nhà nước. |
Ông Trương Đức Trọng, Ban pháp chế VCCI cho biết, theo đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, kết quả từ một số khảo sát giai đoạn 2020-2022, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, đặc biệt doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm nhìn chung phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn khó khăn hơn các nhóm khác.
Khi khảo sát về thực hiện các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cho biết quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu động bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế; vẫn còn tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra bị chồng chéo; doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan.
Về vấn đề quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cho biết trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà; thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các Bộ ngành mới giải quyết xong việc.
Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.HCM, nền kinh tế Việt Nam đạt kết quả khá tốt vào năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng của Việt Nam hiện cao hơn so với trước đây.
Do đó, Việt Nam cần cải cách thể chế vững chắc để biến các ưu tiên phát triển dễ dàng thành các hành động cụ thể; tinh giản thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp; sử dụng tốt đối tác công tư dựa trên các quy luật thị trường để thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm; bảo đảm sự minh bạch, công bằng, hiệu quả trong thực thi chính sách nhằm củng cố niểm tin và tạo động lực cho các bên có liên quan.
Ông cũng chỉ ra nhũng khó khăn còn tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như thực hiện kiểm tra hải quan theo yêu cầu quản lý chuyên ngành về nội dung, phương thức kiểm tra, hiệu quả kiểm tra; cần ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm danh mục, chi tiết danh mục kèm mã số HS; cần tạo một môi trường phát triển bền vững, trong lành, bảo đảm sức khỏe cho mọi người trong xã hội và quản lý tốt việc xử lý rác, bệnh tật, nguồn nước, ùn tắt giao thông, xây dựng nông nghiệp cao bền vững.
|
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phát biểu tại hội nghị. |
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mong muốn có thể giảm chi phí tuân thủ hành chính của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hiện nay đang gánh rất lớn chi phí này, chưa kể là những chi phí hải quan.
Đồng thời, giảm bớt việc kiểm tra chuyên ngành và đề xuất đầu mối cuối cùng của việc chấp thuận thông quan là cơ quan hải quan. Bởi hiện nay việc kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều bộ, cơ quan liên quan làm doanh nghiệp rất vất vả, ông Hiệp đề xuất.