Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các DNNVV này thiếu bộ phận pháp chế chuyên nghiệp, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận và tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt khi hệ thống văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi. Để khắc phục tình trạng này, việc xây dựng và cải tiến mô hình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV là cần thiết và cấp bách. Dưới đây là mô hình tổ chức hỗ trợ pháp lý công tại Hàn Quốc (Korean Legal Aid Corporation - KLAC) mà Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng:
- Cách thức hoạt động của mô hình tổ chức hỗ trợ pháp lý công tại Hàn Quốc (Korean Legal Aid Corporation - KLAC)
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đống góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, nhiều DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý, dẫn đến những rủi ro về tuân thủ pháp luật và giảm khả năng cạnh tranh. Tại Hàn Quốc, Tổ chức Hỗ trợ Pháp lý Công (Korean Legal Aid Corporation - KLAC) đã được thiết lập với mục tiêu cung cấp hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và các đối tượng yếu thế. Đây là mô hình quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV. KLAC có hệ thống có các văn phòng tại nhiều địa phương, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dịch vụ; cung cấp các khóa đào tạo về pháp luật doanh nghiệp, hợp đồng thương mại, giải quyết tranh chấp và có dịch vụ hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp thương mại, giúp doanh nghiệp nhỏ không bị thiệt thòi trước các tập đoàn lớn.
- Ưu điểm của mô hình
Mạng lưới rộng, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận; dịch vụ miễn phí hoặc chi phí thấp, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ chuyên sâu, từ tư vấn đến giải quyết tranh chấp.
- Hạn chế của mô hình
Chỉ giới hạn cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn không được hưởng lợi và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên có thể bị hạn chế về tài chính.
4.Khả năng áp dụng tại Việt Nam
Việt Nam có thể học hỏi mô hình này bằng cách phát triển hệ thống tư vấn pháp lý công cho DNNVV. Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ để đảm bảo tính bền vững cho hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí và có thể kết hợp với các tổ chức phi chính phủ để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ./.
Đỗ Văn Tuyến – Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật & Trợ giúp pháp lý