Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng

06/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nguồn thu này đóng vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội công như y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo... Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, hàng năm các doanh nghiệp SME đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Mặc dù có vai trò và đóng góp rất to lớn trong nền kinh tế nhưng phần lớn các SME vẫn còn yếu kiến thức quản lý, thông tin thị trường, khó tham gia các chuỗi giá trị… Trong bối cảnh kinh doanh trong nước và quốc tế thường xuyên có sự biến động, pháp luật kinh doanh có nhiều điểm mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin vì vậy nhu cầu hỗ trợ nhất là hỗ trợ về pháp lý là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhìn chung là khá đa dạng và phong phú, có thể tập trung thành các nhóm chính như sau:
- Nhu cầu trợ giúp bảo vệ trực tiếp trong những vụ tranh chấp về pháp lý: Các tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp rất đa dạng và phong phú, như tranh chấp về hợp đồng kinh tế trong nước hoặc quốc tế, tranh chấp về khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai, xử phạt vi phạm thuế, kiểm tra, thanh tra... Đây là những vụ tranh chấp rất phức tạp, đặc biệt là những vụ liên quan đến khiếu nại hành chính giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Trong những vụ việc này, các doanh nghiệp rất cần sự tham gia hỗ trợ, tư vấn về pháp lý.
- Nhu cầu hỗ trợ tìm chuyên gia pháp lý giỏi có uy tín, kinh nghiệm: Thị trường dịch vụ pháp lý đang diễn ra sôi động, số lượng luật sư tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên chất lượng dịch vụ pháp lý còn chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhất là các địa phương ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các luật sư có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật kinh tế thương mại quốc tế chưa nhiều, nhiều vụ doanh nghiệp còn phải đi thuê luật sư nước ngoài, mất phí hàng triệu đô la, trong giao dịch quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đang bị nhiều rủi ro pháp lý mà chưa biết cách bảo vệ. Vì vậy các doanh nghiệp rất cần có được sự kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín đủ năng lực, đạo đức nghề nghiệp để trợ giúp bảo vệ về mặt pháp lý.
- Nhu cầu làm cầu nối trợ giúp hòa giải các tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh: Trong nhiều dạng tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp thì một dạng tranh chấp diễn ra khá phổ biến là tranh chấp giữa các doanh nghiệp về hợp đồng kinh tế liên quan đến các thỏa thuận về điều khoản thanh toán, địa điểm giao nhận, chất lượng hàng hóa... Việc giải quyết bằng con đường Tòa án là rất phức tạp, tốn kém không ít thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Tốt hơn hết là con đường hòa giải, cùng ngồi nhìn nhận lại vấn đề và cách giải quyết.
- Nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiến nghị các cơ quan nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật: Hoàn thiện chính sách pháp luật là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, tuy nhiên có những chính sách pháp luật mà cả trung ương và cơ sở trong quá trình trình thực thi đã nảy sinh những vướng mắc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu phản ánh các ý kiến, kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức các tọa đàm, gặp gỡ giữa đại diện chính quyền và các cơ quan có liên quan với doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, phù hợp hơn với thực tiễn, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
- Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp: Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện với nhiều chính sách mới nhằm mục tiêu phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập thổ chức thương mại thế giới, đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp được tập hợp từ nhiều thành phần khác nhau, vì vậy nhu cầu cần được tìm hiểu bồi dưỡng các kiến thức về pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, quản lý doanh nghiệp là rất lớn.
Trong những năm qua hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Nhà nước hết sức chú trọng. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được ghi nhận trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Cơ chế tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật được thiết lập tại các bộ, ngành huy động sự tham gia tích cực của các tư vấn viên pháp luật gồm các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung đã có những hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp. Tại các tỉnh, thành phố ở địa phương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng; tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và người làm công tác pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các kênh truyền hình, đài tiếng nói… Bên cạnh đó một số địa phương đã xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, hiệu quả về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như mô hình “Cà phê doanh nhân”, “Cà phê doanh nghiệp thứ 7”, “Bác sĩ doanh nghiệp”ở tỉnh Bắc Ninh.
Những nỗ lực của các đơn vị từ trung ương đến địa phương đã đạt được một số kết quả và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Theo kết quả khảo sát PCI năm 2021, tỷ lệ khá cao doanh nghiệp cho rằng “các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp” khoảng 84% toàn quốc và ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã tiếp xúc được với các công tác hỗ trợ pháp lý của các đơn vị và đã có sự tin tưởng về tính hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý. Một trong những biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được khá nhiều doanh nghiệp đánh giá tốt là miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước, khi có 79% DN toàn quốc và 82% DN ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đánh giá các thủ tục để thực hiện miễn giảm là dễ dàng.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập. Nhiều doanh nghiệp nhất là SME vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hoạt động hỗ trợ pháp lý. Một số hoạt động chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa nắm sát đặc điểm tâm lý, đặc thù của doanh nghiệp. Điều tra PCI năm 2020 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật ở mức không quá cao, toàn quốc là 60% DN trả lời đã từng sử dụng, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên thấp hơn chỉ ở mức 58%. Như vậy còn một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp chưa từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật, hay dư địa của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là còn rất lớn xét ở khía cạnh số lượng DN cần hỗ trợ.
Một số giải pháp đề xuất để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất, giúp nhiều doanh nghiệp thụ hưởng hơn như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý hiện nay đã có nhưng cần quan tâm đầu tư nâng cấp hiệu quả hơn. Xây dựng thường xuyên và phát hành các bản tin, tài liệu điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đổi mới các hình thức, nội dung trong việc xây dựng và phát sóng trên các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Xây dựng các clip bài giảng điện tử về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, các tài liệu hướng dẫn pháp luật đơn giản, cụ thể dễ hiểu để phát rộng rãi trên các môi trường mạng, điện tử hay các trang xã hội để tăng cường lan tỏa các quy định pháp luật tới từng doanh nghiệp có nhu cầu. Nội dung các thông tin cần được biên tập nội dung gọn gàng, nên trình bày các thông tin dưới góc độ của doanh nghiệp để dễ hiểu hơn... Bên cạnh đó, các nội dung thông tin được cần công khai thông tin liên quan đến doanh nghiệp trên website nên kèm theo số điện thoại của cán bộ phụ trách để doanh nghiệp có thể liên hệ khi thắc mắc.
Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan ở địa phương với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải thống nhất việc phối hợp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị đối thoại, tọa đàm, lấy ý kiến doanh nghiệp nhằm hoàn thiện pháp luật; phối hợp trong việc xây dựng tài liệu, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; phối hợp giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có cơ chế, cách thức phối hợp chung thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các hiệp hội trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ ba, chủ động tiếp cận, tư vấn cho doanh nghiệp, nhất là phát hiện, tìm hiểu các vấn đề doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ pháp lý, từ đó chủ động tiếp cận doanh nghiệp và đề nghị hỗ trợ. Ví dụ, chủ động tiếp cận những doanh nghiệp địa phương bị xử phạt vi phạm hành chính, bị trả hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục khiếu nại...
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng truyền thông mạng xã hội để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý. Bởi việc thực hiện trực tiếp theo cách truyền thống sẽ không hiệu quả bằng và tốn kém hơn cho doanh nghiệp và cả ngân sách.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của pháp chế doanh nghiệp, cách thức kiểm soát rủi ro pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, các ấn phẩm, tài liệu liên quan đến hoạt động này nên trình bày ở dạng hỏi đáp ngắn gọn, dễ hiểu ví dụ: hỏi đáp về một số vi phạm hành chính điển hình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; việc huy động vốn; quản trị doanh nghiệp; giao kết hợp đồng; thực hiện và thanh lý hợp đồng; quyền sở hữu trí tuệ; thuế và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp...
Thứ sáu, cập nhật, cung cấp thông tin pháp lý, thông tin về những vấn đề thời sự liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từ đó, tổ chức các diễn đàn đối thoại tư vấn pháp luật trực tuyến về các chủ đề pháp lý chuyên sâu và thực tiễn các vụ việc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp. Ngoài ra, triển khai mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp, cùng với đó huy động đội ngũ chuyên gia pháp lý, chuyên gia về kinh doanh, thương mại có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để hoạt động này ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.
Thứ bảy tăng cường rà soát, kiểm tra kiểm soát các văn bản, qui định… liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhất là về tính thống nhất, tính minh bạch, chi phí tuân thủ... Đây là cách hỗ trợ pháp lý ngay từ đầu trợ giúp doanh nghiệp. Các văn bản liên quan đến doanh nghiệp được ban hành cần được có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn kịp thời chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu quản lý. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị phụ trách kiểm tra, rà soát tính pháp lý của các văn bản liên quan đến doanh nghiệp./.

Xem thêm »