Ngày 05/10/2022, Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch số 3766/KH-HTPLLN về việc lựa chọn đơn vị tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại cung cấp thông tin pháp lý, giải đáp các vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp, các hội nghị, diễn đàn đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch lựa chọn đơn vị tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại cung cấp thông tin pháp lý, giải đáp các vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp, các hội nghị, diễn đàn đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Việc tổ chức hoạt động hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (mục III.3.g); Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025.
b) Thông qua hội nghị đối thoại nhằm trao đổi thông tin toàn diện về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những khó khăn, vướng mắc gặp phải từ cả phía cơ quan Nhà nước và phía các doanh nghiệp.
c) Đối thoại để tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
d) Tổng hợp các đề xuất, kiến nghị, phản hồi từ doanh nghiệp, qua đó đề xuất các giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
2. Yêu cầu
a) Bám sát tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (Mục III.3.g) và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
b) Thực hiện đúng Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2022 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-BTP ngày 17/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
c) Định mức chi tiêu theo đúng quy định tại Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định khác của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
d) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức hoạt động của chương trình nhằm mở rộng phạm vi tiếp nhận thông tin đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), lan tỏa ảnh hưởng, hiệu quả của Chương trình trong cộng đồng DNNVV.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC
1. Tổ chức từ 16 - 25 hội nghị, diễn đàn đối thoại cung cấp thông tin pháp lý, giải đáp các vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp (trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến)
Thông qua hội nghị đối thoại nhằm trao đổi thông tin toàn diện về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những khó khăn, vướng mắc gặp phải từ cả phía cơ quan Nhà nước và phía các doanh nghiệp, cụ thể:
(i) Thực tiễn triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV ở một số Bộ, ngành; địa phương; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 và hậu COVID-19 - Khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ;
(ii) DNNVV ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, cơ chế, thủ tục hỗ trợ của Nhà nước hiện nay để doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và các vấn đề pháp lý đặt ra;
(iii) Cơ chế giải quyết tranh chấp trong kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19;
(iv) Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động của DNNVV và những vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh hậu COVID-19;
(v) Vấn đề pháp lý về thành lập, huy động vốn, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19;
(vi) Cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho DNNVV trong bối cảnh hậu COVID-19, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và trình tự, thủ tục thực hiện; khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ;
(vii) Một số mô hình hỗ trợ pháp lý hiệu quả cho DNNVV và bài học kinh nghiệm;
(viii) Chuyên đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay của bộ, ngành, địa phương.
2. Tổ chức 03 - 05 hội nghị, diễn đàn đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến)
(i) Hội nghị, diễn đàn đối thoại chuyên sâu tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hoạt động kết nối giữa các luật sư, chuyên gia pháp luật với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nội dung chính của các diễn đàn nhằm tư vấn một cách cụ thể, chuyên sâu về những chuyên đề pháp lý, vụ việc thực tiễn phát sinh trong hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan trực tiếp đến hoạt động của DNNVV; những khó khăn, vướng mắc của DNNVV trong tuân thủ pháp luật, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
(ii) Việc tổ chức diễn đàn tư vấn với mục tiêu nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến việc ban hành các văn bản, chính sách pháp luật mới mà DNNVV là đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc có quan tâm; kết hợp tư vấn các vụ việc thực tế, các vướng mắc pháp lý DNNVV gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp DNNVV vận dụng pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, đồng thời khuyến cáo cho DNNVV trong hoạt động tuân thủ pháp luật.
3. Lựa chọn cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình trong năm 2022
3.1. Căn cứ lựa chọn
Việc lựa chọn cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình và các vấn đề liên quan (thủ tục, hồ sơ, điều kiện tham gia, trình tự đăng ký...) được quy định tại Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu và đề xuất nêu tại hồ sơ đăng ký.
- Kinh phí tổ chức 01 hội nghị, diễn đàn không quá 50.000.000 đồng.
- Thời gian thực hiện hoạt động tháng 10 -12/2022.
- Ban Quản lý Chương trình HTPLLN sẽ lập Hội đồng thẩm định lựa chọn đơn vị thực hiện trên cơ sở Đề án nêu tại Mục 4.1 Phần II của Kế hoạch này theo đúng quy định của Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg; Thông tư số 58/2016/TT-BTC và pháp luật có liên quan.
3.2. Thời hạn lựa chọn
Trong tháng 10 năm 2022.
4. Yêu cầu hồ sơ đăng ký và thời hạn đăng ký tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình HTPLLN
4.1. Hồ sơ đăng ký gồm:
- Đề án đăng ký tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình HTPLLN năm 2022 (có thông tin, năng lực, kinh nghiệm đơn vị; đề xuất nội dung, kế hoạch thực hiện; dự toán chi tiết kinh phí hoạt động);
- Bản chụp Quyết định thành lập, Giấy phép thành lập cơ quan, tổ chức.
Các tài liệu nêu trên có chữ ký của thủ trưởng cơ quan, tổ chức và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bản điện tử gửi qua email đến: chuongtrinhhtplln@moj.gov.vn.
4.2. Thời hạn nộp hồ sơ
Hồ sơ đăng ký tham gia hoạt động gửi về địa chỉ: Văn phòng Chương trình HTPLLN, Phòng 106, nhà N4, Trụ sở Bộ Tư pháp số 58 - 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội và 01 bản điện tử qua email (chuongtrinhhtplln@moj.gov.vn) trước 10 giờ ngày 18 tháng 10 năm 2022 (phải có cả hồ sơ gốc và bản điện tử).
(Xin xem file kèm theo)
File đính kèm: