Đa dạng cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

14/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thời gian gần đây, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được các địa phương quan tâm hơn, trong đó tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

(Tổ công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp)

Kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại Bắc Giang, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu văn bản pháp luật, Sở Tư pháp đã cập nhật 100% văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; đăng tải các VBQPPL mới ban hành, duy trì chuyên mục “Hỏi – đáp pháp luật” trên Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang. Thông qua đó, giúp các doanh nghiệp kịp thời cập nhật các quy định pháp luật từ đó có những chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh doanh hợp lý, đúng quy định.
Hằng năm, Sở Tư pháp Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hội thảo, tập huấn, tọa đàm; biên soạn, cung cấp tài liệu nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp.  Ngoài ra, Sở Tư pháp còn kiến nghị, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sớm có những giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL nói chung, theo chuyên đề về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nói riêng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện, áp dụng.
Là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp nên công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của một số chủ sở hữu, người quản lý còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ, nhiều nơi chưa quan tâm áp dụng quy định của pháp luật để phòng ngừa rủi ro.
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thực sự hiệu quả, ngành Tư pháp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tư vấn, tuyên truyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, đề nghị hỗ trợ khi có vướng mắc. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư.
Còn tại tỉnh Thái Bình, nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, từ tháng 6/2022, tỉnh đã đưa vào hoạt động Tổ công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Đây là việc làm thiết thực của UBND tỉnh, thể hiện rõ sự đồng hành, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương.
Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp đến từng thành viên; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thành lập các bộ phận giúp việc để kết nối với nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” và các hệ thống truyền thông đa phương tiện.
Từ khi đi vào hoạt động, Tổ công tác đã nhận được nhiều ý kiến hỏi đáp của các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó tập trung vào các vấn đề về cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; đề nghị hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế thông qua ứng dụng đang được ngành Thuế triển khai; những điểm cần lưu ý về hóa đơn điện tử…
      Nhiều hình thức cung cấp thông tin pháp luật
Để đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều địa phương đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Trong đó có thể kể đến chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn do Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp thực hiện.
Chuyên mục nhằm cung cấp thông tin pháp luật có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp; Tiếp nhận phản ánh và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các văn bản của Trung ương, tỉnh; Biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có cách làm hay và những sáng kiến trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và kịp thời phản ánh những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Tương tự, thành phố Hà Nội cũng phát sóng chương trình truyền hình “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” nhằm cung cấp thông tin, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, cảnh báo rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Với các chủ đề đa dạng, thông qua hình thức trò chuyện, giao lưu, đối thoại với các chuyên gia kinh tế, luật sư… sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn, đưa ra cách giải quyết, vướng mắc pháp lý cũng như khắc phục những vấn đề nảy sinh cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình kỳ vọng sẽ là cầu nối hỗ trợ, tư vấn và đưa ra những cảnh báo thông tin pháp lý cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tài liệu đào tạo, hướng dẫn kinh doanh, kết nối kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế số, tỉnh Kiên Giang đã vận hành “Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp” từ cuối tháng 7/2022. Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang sẽ đem đến những thông tin kịp thời, chính xác, giá trị cao về các chính sách, chương trình hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, tra cứu để tham gia thụ hưởng các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cổng thông tin còn đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp...
(Tác giả: Lê Thị Kim Quy, Báo Pháp luật Việt Nam)

Xem thêm »