Tổng số doanh nghiệp thành lập mới đang cao hơn 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nỗ lực phát triển.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nỗ lực phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng trong khó khăn. Ảnh: Vũ Long
Chính phủ không ngừng hỗ trợ để doanh nghiệp “vượt sóng”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trong thời gian qua, Chính phủ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh dịp cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 như: Chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.
Tính đến hết tháng 7, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỉ đồng. Trong đó số tiền thuế gia hạn khoảng 43 nghìn tỉ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46,2 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hoá, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Tính đến ngày 22.7.2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỉ đồng hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỉ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện.
“Các chính sách, giải pháp chủ động, linh hoạt và kịp thời của Chính phủ đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Số doanh nghiệp “hồi sinh” tăng gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui
Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.
Cũng theo Bộ KHĐT, trong 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh với trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021. Có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 38,6%); dịch vụ việc làm; du lịch (tăng 33,3%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 31,7%).
Cả 6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 2 khu vực có sự gia tăng mạnh nhất là Đông Nam Bộ (35.683 doanh nghiệp, tăng 17,7%) và đồng bằng sông Hồng (26.925 doanh nghiệp, tăng 14,3%).
Tuy nhiên, Bộ KHĐT cũng thẳng thắn đánh giá: Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn ở mức cao. Trong 7 tháng đầu năm 2022, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (56.014 doanh nghiệp, chiếm 59,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng năm 2022).
Mới đây, tại hội thảo “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KHĐT) phối hợp với Viện KonradAdenauer-Stiftung (KAS-CHLB Đức tại Việt Nam) đồng tổ chức, TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF - cho rằng, mặc dù đã được khẳng định là khu vực kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ cũng như môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh nhưng tổng quy mô tăng không tương ứng.
“Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thời gian tới không chỉ là tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, mà phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, hùng mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra bên ngoài” - TS Lương Văn Khôi nói.
Nguồn: báo Lao động