Đề nghị và chấp nhận đề nghị sửa đổi hợp đồng

21/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tình huống: Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán với Công ty Mỹ (Bị đơn - Bên mua). Trong quá trình thực hiện, các Bên có thư từ trao đổi liên quan đến một khoản tiền phải thực hiện trong hợp đồng. Khi có tranh chấp, trên cơ sở quy định về đề nghị, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, Hội đồng Trọng tài xác định các bên chưa đạt được thỏa thuận về nội dung trong thư được trao đổi.

Ý kiến: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, không hiếm trường hợp các bên đưa ra những đề xuất, trao đổi theo hướng làm thay đổi những nội dung mà các bên đã giao kết. Những đề xuất, trao đổi này được xử lý như thế nào?
Trong vụ việc trên, vào ngày 10/11/2011, Bên mua gửi cho Bên bán một văn bản đề nghị được tạm giữ một khoản tiền và đồng ý thanh toán các khoản tiền sau: 112.850 USD cho PO 8161; 112.224 USD cho PO 8181; và 57.302 USD cho PO 8205. Cùng ngày, Bên bán gửi cho Bên mua một văn bản đồng ý để Bên mua tạm giữ khoản tiền mà Bên mua đưa ra nhưng có ghi rõ Bên mua sẽ thanh toán các khoản sau: 117.936 USD cho PO 8161; 112.224 USD cho PO 8181; và 57.302 USD cho PO 8205. Ở đây, các Bên đã thống nhất về nội dung trong văn thư trao đổi không?
Theo Hội đồng Trọng tài, “hai Thư đề nghị này chỉ có chữ ký của đại diện của Bên đưa ra Thư đề nghị và có nội dung không thống nhất với nhau (lời đề nghị của một Bên không được Bên kia chấp nhận toàn bộ). Do đó, hai Thư đề nghị này không ràng buộc các Bên trên cơ sở Điều 396 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã dựa vào các quy định về giao kết hợp đồng để cho rằng các bên chưa đạt được thống nhất nên những nội dung trong thư trao đổi không ràng buộc các bên.
Thực ra, thư của Bên mua gửi cho Bên bán như nêu trên hoàn toàn có thể được coi là một lời đề nghị giao kết hợp đồng (để thay đổi những nội dung của hợp đồng đã tồn tại giữa các bên) trên cơ sở khoản 1 Điều 390 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể” và “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng”. Ở trường hợp này, Bên mua đã đưa ra đề xuất và gửi cho Bên bán (chủ thể được xác định) và nếu Bên bán đồng ý đề xuất của Bên mua thì những nội dung trong đề xuất của Bên mua ràng buộc cả hai bên (làm thay đổi một số nội dung của hợp đồng đang tồn tại giữa các Bên).
Tuy nhiên, bản thân lời đề nghị giao kết hợp đồng chưa đủ để tạo ra hợp đồng (nhằm thay đổi hợp đồng đang tồn tại). Để lời đề nghị ràng buộc các Bên, lời đề nghị này phải được chấp nhận theo các yêu cầu của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Cụ thể, theo Điều 396 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 393 Bộ luật dân sự năm 2015, “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”.
Trong vụ việc trên, Bên bán đã trả lời chấp nhận nhưng tại sao Hội đồng Trọng tài lại cho rằng nội dung các thư trên không ràng buộc các Bên? Thực ra, bản thân việc trả lời chấp nhận chưa đủ. Với quy định trên, để trả lời chấp nhận được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (để thay đổi hợp đồng đang tồn tại) thì nội dung trả lời phải đáp ứng điều kiện là “chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”. Ở đây, Bên bán có trả lời chấp nhận đề xuất của Bên mua nhưng lại không “chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị” mà có đưa ra sự điều chỉnh so với lời đề nghị như lời đề nghị có nội dung “112.850 USD cho PO 8161” còn lời chấp nhận có nội dung “117.936 USD cho PO 8161”. Vì thế, lời chấp nhận của Bên bán không được coi là một lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (để sửa đổi hợp đồng đang tồn tại).
Từ vụ việc trên, doanh nghiệp có thể rút ra hai điểm đáng lưu ý sau: Thứ nhất, đề xuất và chấp nhận đề xuất thay đổi nội dung hợp đồng đang tồn tại chịu sự điều chỉnh của các quy định chung về đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (ở đây là đề nghị và chấp nhận sửa đổi hợp đồng đang tồn tại)[1]. Thứ hai, để chấp nhận ràng buộc các bên sau lời đề nghị thì lời chấp nhận phải có nội dung là chấp nhận toàn bộ nội dung lời đề nghị. Do đó, nếu bên được đề nghị chỉ chấp nhận một phần hay chấp nhận nhưng có thay đổi so với lời đề nghị thì đây không là lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng để tạo ra một hợp đồng mới (lúc này lời chấp nhận có thể được coi là một lời đề nghị giao kết mới trên cơ sở Điều 395 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 392 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới”).

 
[1] Về đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, xem Chủ đề số 1.

Xem thêm »