Chậm tiến độ so với hợp đồng do có việc gia hạn

21/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tình huống trao đổi: Công ty Trung Quốc (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn) để cung cấp thiết bị và lắp đặt hướng dẫn vận hành. Bị đơn cho rằng Nguyên đơn chậm tiến độ và phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài không buộc Nguyên đơn chịu trách nhiệm mặc dù xác định có việc chậm tiến độ.

Ý kiến trao đổi: Không hiếm trường hợp các bên thỏa thuận với nhau về tiến độ thực hiện hợp đồng nhưng tiến độ này không được tuân thủ và câu hỏi đặt ra là bên không thực hiện đúng tiến độ có phải chịu trách nhiệm về việc chậm thực hiện tiến độ hay không?
Trong vụ việc trên, Bị đơn cho rằng “Nguyên đơn vi phạm tiến độ nên Nguyên đơn phải nộp các khoản tiền phạt vi phạm và bồi thường các thiệt hại phát sinh cho Bị đơn do nhà máy chậm đi vào hoạt động”. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định có việc chậm tiến độ. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “trong việc bàn giao thiết bị, lắp đặt nhà máy có chậm tiến độ so với tiến độ quy định trong hợp đồng”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài đồng ý là có việc chậm tiến độ so với quy định trong hợp đồng như Bị đơn nêu.
Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài lại không chấp nhận yêu cầu của Bị đơn buộc Nguyên đơn phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “việc chậm trễ này có nguyên nhân từ phía Bị đơn như: Bị đơn có một số văn thư đề nghị điều chỉnh thời gian giao thiết bị; trong quá trình thực hiện hợp đồng, các Bên xác lập nhiều biên bản làm việc, trao đổi nhiều văn thư nhưng không có nội dung nào thể hiện sự khiếu nại chính thức của Bị đơn về việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng. Kể cả các văn thư của Bị đơn gửi Nguyên đơn với trích yếu nội dung về tiến độ hợp đồng, tiến độ sản xuất của nhà máy đều không hề phản ánh việc khiếu nại của Bị đơn đối với Nguyên đơn về việc chậm tiến độ. Cho đến khi Nguyên đơn khởi kiện vụ tranh chấp tại VIAC, Bị đơn mới có Đơn kiện lại, trong đó yêu cầu Nguyên đơn phải chịu phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ. Các Bên không có bất kỳ biên bản làm việc nào ghi nhận việc chậm tiến độ và xác định trách nhiệm tài sản của Nguyên đơn do chậm tiến độ. Từ những lập luận trên, Hội đồng Trọng tài nhận thấy việc hợp đồng được thực hiện không đúng tiến độ có nguyên nhân từ Bị đơn; Bị đơn không khiếu nại với Nguyên đơn về việc chậm tiến độ, do đó việc Bị đơn yêu cầu Nguyên đơn phải phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ là không có cơ sở”.
Như vậy, việc một bên chậm thực hiện theo tiến độ so với quy định trong hợp đồng không đồng nghĩa với việc họ phải chịu trách nhiệm về chậm tiến độ và việc này còn phụ thuộc vào nguyên nhân của việc chậm tiến độ. Ở đây, chính bên bị chậm tiến độ đã có đề nghị điều chỉnh thời gian và cũng không có khiếu nại về việc chậm tiến độ. Hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ”.
Từ vụ việc này, doanh nghiệp biết rằng nếu chính doanh nghiệp gia hạn việc thực hiện và không có khiếu nại về việc chậm tiến độ so với quy định ban đầu của hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ không được coi việc chậm tiến độ là vi phạm hợp đồng để buộc bên chậm tiến độ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng như phạt vi phạm hợp đồng. Về phía bên chậm tiến độ, họ cũng không phải chịu trách nhiệm từ việc chậm tiến độ nếu việc chậm tiến độ do có sự ưng thuận, sự gia hạn của đối tác.
 

Xem thêm »