Việc quản lý, xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra “nút thắt” khiến việc cải tạo chung cư cũ do những bất cập của Luật Nhà ở 2014 và các quy định liên quan.
Cơ sở pháp lý có liên quan và được sử dụng trong bài viết:
- Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
- Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
- Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
- Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
- Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
- Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
- Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
I. Nội dung nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
- Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai thực hiện theo dự án, gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển nhà ở và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư do sự cố, thiên tai, cháy nổ mà nhà chung cư này chưa có trong kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện ngay việc di dời các hộ gia đình ra khỏi nhà chung cư này, sau đó bổ sung trường hợp này vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của địa phương.
- Việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải tuân thủ quy định của pháp luật xây dựng, pháp luật nhà ở, pháp luật đất đai, pháp luật có liên quan và quy định của Nghị định này; chủ đầu tư phải thực hiện phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 5 của Nghị định này trước, các nhà chung cư thuộc diện phá dỡ còn lại được thực hiện sau. Các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không phải dành diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu chung cư được xác định trong quy hoạch chi tiết hoặc trong nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với khu chung cư hiện hữu thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở thì địa phương có thể triển khai thực hiện một hoặc nhiều dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư nhưng phải bảo đảm kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tuân thủ quy hoạch chi tiết của toàn khu chung cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Trường hợp thực hiện một dự án thì chủ đầu tư có thể phân kỳ đầu tư nhưng phải phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 5 của Nghị định này trước, các nhà chung cư còn lại trong khu được thực hiện phá dỡ để xây dựng lại theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Việc phân kỳ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư phải được xác định trong nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với tình hình thực tế, thời gian thực hiện dự án của từng nhà chung cư và bảo đảm yêu cầu quy định tại Điều này.
- Trường hợp chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã được chấp thuận thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư quyết định kéo dài hoặc chấm dứt việc thực hiện dự án đầu tư. Trường hợp chấm dứt thực hiện dự án thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lựa chọn lại chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này; đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định này thì cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.
II. Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
1. Quyền của chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Đối với trường hợp quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì chủ đầu tư dự án có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các thủ tục để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;
b) Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở và công trình dịch vụ thương mại (nếu có) trong phạm vi dự án; thực hiện huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình trong dự án theo quy định của pháp luật nhà ở và pháp luật kinh doanh bất động sản;
c) Được thực hiện quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện kinh doanh đối với các công trình kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi dự án theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
đ) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở và các công trình khác (nếu có) trong dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở;
e) Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích để ở, kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các loại đất khác trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật;
g) Được hưởng các cơ chế ưu đãi theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án;
h) Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp quy định tại Điều 16 của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì chủ đầu tư có các quyền sau đây:
a) Bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ tái định cư, diện tích khác không phải là nhà ở theo quy định của pháp luật;
b) Các quyền quy định tại điểm a, c, d, e và h khoản 1 Điều 18 Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các trách nhiệm của chủ đầu tư dự án theo quy định tại các khoản 1, 3, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 26 của Luật Nhà ở và các quy định có liên quan của pháp luật kinh doanh bất động sản;
b) Thực hiện bố trí chỗ ở tạm thời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ theo phương án bồi thường đã được phê duyệt theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và pháp luật có liên quan;
c) Tổ chức nghiệm thu, bàn giao nhà ở và các công trình xây dựng tái định cư theo quy định của pháp luật về xây dựng cho các chủ sở hữu theo đúng phương án bồi thường đã được phê duyệt; bàn giao các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho nhà nước theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và pháp luật có liên quan.
3. Chủ đầu tư dự án quy định tại Điều 16 của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm:
a) Thực hiện quy định tại khoản 1, 3, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 26 của Luật Nhà ở và quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 18 Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
b) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
III. Quyền, trách nhiệm chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc diện phá dỡ
Đối với trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc diện phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có quyền và trách nhiệm sau đây:
1. Các quyền của Chủ sở hữu nhà chung cư
Đối với các quyền của Chủ sở hữu nhà chung cư (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) có các quyền sau đây:
a) Được tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
b) Được tái định cư, được giải quyết chỗ ở tạm thời, được lựa chọn hình thức bồi thường theo quy định của Nghị định này; yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền chênh lệch bồi thường (nếu có) theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
c) Được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai đối với nhà ở, công trình đã được bồi thường, bố trí tái định cư;
d) Được tham gia giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;
đ) Được mua nhà ở bố trí tạm thời trong trường hợp nhà ở này thuộc diện được bán theo quy định của Nghị định này nếu chủ sở hữu không có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở tái định cư theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
e) Được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở tái định cư, nhà ở bố trí tạm thời (nếu được mua nhà ở này); trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán được thực hiện như đối với chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản; người nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở tái định cư cuối cùng được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở;
g) Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thiệt hại xảy ra theo nội dung của hợp đồng đã ký kết và theo quy định của pháp luật;
h) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu nhà ở, công trình khác thuộc sở hữu nhà nước có các quyền quy định tại các điểm a, b, d, g và h khoản 1 của Điều 19 Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
2. Trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư
a) Thực hiện theo phương án bồi thường đã được phê duyệt; chấp hành di dời để thực hiện việc giải tỏa, phá dỡ nhà ở và công trình xây dựng trong phạm vi dự án theo phương án, giải pháp phá dỡ đã được duyệt;
b) Chấp hành và tạo điều kiện để các tổ chức, đơn vị và cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
c) Tạo điều kiện để chủ đầu tư dự án, nhà thầu xây dựng triển khai thực hiện dự án theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Tham gia lấy ý kiến để lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tuân thủ các nội dung của hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở tái định cư đã ký kết; nộp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư khi mua, thuê mua nhà ở tái định cư theo quy định của pháp luật nhà ở;
đ) Chấp hành các quyết định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại được bố trí tái định cư theo quy định của Nghị định này và phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo nội dung thỏa thuận với chủ sở hữu, quy định tại điểm a, b, c, đ và e khoản 3 Điều 19 Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nhiều vướng mắc gây khó khăn cải tạo chung cư cũ
Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP) đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến việc xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương hơn 3 triệu m² sàn) với hơn 100 nghìn hộ dân sinh sống. Các nhà chung cư được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau và được bố trí tại các đô thị của địa phương.
Ở miền Bắc, chủ yếu được xây dựng trong giai đoạn từ thập kỷ 60 đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước, phổ biến là các nhà chung cư 3 - 5 tầng. Ở phía Nam, chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1975, có cả nhà chung cư đơn lẻ, các khu chung cư dùng cho cán bộ, công chức, viên chức ở. Một số địa phương có nhiều quỹ nhà chung cư cũ hiện nay như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa,...
Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Hiện có 1.579 chung cư đã thống kê đầy đủ, còn 300 chung cư là nhà tự quản của các đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp còn chưa bàn giao cho thành phố. Tổng số có khoảng gần 1.800 chung cư cũ.
Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ trong cải tạo chung cư cũ. Doanh nghiệp chưa đầu tư bởi chi phí phải bỏ ra lớn nhưng lại mang lại lợi ích không cao. Cụ thể là bị hạn chế về tầng cao xây dựng, nhất là ở khu vực trung tâm, nơi có mật độ dân số cao cần giảm tải áp lực về hạ tầng, giảm dân số, cần diện mạo đô thị mới hài hòa phát triển với bảo tồn.
Cùng với đó, cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chưa thỏa đáng, một số người dân cũng chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình. Trình tự triển khai các dự án cải tạo khu chung cư cũ còn phức tạp, nhiều điều chỉnh và chưa có quy định trình tự đặc thù. Hiện chưa xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư với xã hội cũng như chưa có cơ chế tạo điều kiện trong đầu tư xây dựng, cải tạo chung cư cũ cho doanh nghiệp. Quá trình quản lý vận hành sử dụng còn nhiều bất cập giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị và khu dân cư.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cải tạo chung cư cũ
Theo Tôi đề xuất, các địa phương bố trí ngân sách và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, làm cơ sở để sớm xác định các nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, trên cơ sở đó lập kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu vực cần xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ và công bố công khai thông tin về quy hoạch này theo quy định của pháp luật để chủ sở hữu, người sử dụng hoặc liên quan biết và thực hiện. Việc quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ cần phải được lập quy hoạch cho toàn khu, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch.
"Các địa phương cần sớm ban hành mức bồi thường làm cơ sở để các nhà đầu tư lập phương án bồi thường khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án; khẩn trương ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và tổ chức thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. Cùng với đó, quy hoạch cải tạo chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch của thành phố, cấu trúc khu chung cư sau cải tạo không nhất thiết phải là mô hình đơn vị ở phổ biến mà có thể là khu đô thị đa chức năng".
Luật Nhà ở năm 2014 qua 10 năm thi hành đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nhà ở và điều chỉnh các giao dịch về nhà ở thông suốt, đồng bộ…
"Việc vẫn chưa xác lập được cơ chế pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc cải tạo chung cư cũ được xây dựng từ thời kỳ bao cấp cách đây gần 40 năm tại các thành phố lớn. Đồng thời, một số quy định về quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư cao tầng xây dựng mới của Đạo luật này không còn phù hợp với thực tiễn".
Cải tạo các chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay. Tại Hà Nội, trong 10 năm mà mới cải tạo được 1,5% số lượng chung cư cũ thì theo tôi, con số này vẫn còn quá khiêm tốn và đáng tiếc.
"Các vướng mắc còn tồn đọng trong Luật Thủ đô thì cần phải tháo gỡ, làm sao để thành phố Hà Nội chủ động trong điều tiết. Về yếu tố dân chủ, đây là điều cần thiết nhưng theo tôi khoảng 80-85% cư dân đồng tình là hợp lý, phải có cưỡng chế, chúng ta cần quy định rõ ràng việc này thì mới làm tiếp được. Tiếp đến là phải đảm bảo hài hòa lợi ích, giải quyết công ăn việc làm cho người dân"./.