VẤN ĐỀ THỰC THI PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI Ở VIỆT NAM

15/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xu hướng giải quyết tranh chấp bằng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế phương thức Tòa án ngày càng phát triển và phổ biến trên thế giới. Với ưu điểm về tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian và bảo mật cao, trọng tài thương mại đang là một trong những phương thức được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn. Tại Việt Nam, pháp luật điều chỉnh về trọng tài thương mại – những cơ sở pháp lý cơ bản để thiết lập và phát triển phương thức giải quyết bằng trọng tài, đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nội dung tham luận dưới đây góp phần làm rõ thực trạng pháp luật trọng tài hiện nay, trước hết là pháp luật về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam.

1. Khái quát về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam
1.1 Khái niệm và đặc điểm phán quyết trọng tài
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Theo đó, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực đối với các bên kể từ ngày ban hành, trừ trường hợp bị hủy hoặc bị từ chối thi hành.[1]
Phán quyết trọng tài có các đặc điểm sau:
Một, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lục kể từ ngày ban hành và có giá trị bắt buộc với các bên. Theo quy định tại điều 61 Luật trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài có giá trị thi hành ngay và không thể được giải quyết lại theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm như các tranh chấp giải quyết tại Tòa án. Phán quyết trọng tài có giá trị pháp lý bắt buộc với các bên bởi thẩm quyền của trọng tài là do quyền lực các bên tranh chấp thỏa thuận thống nhất trao cho.
Hai, phán quyết trọng tài là kết quả của tố tụng trọng tài và là cơ sở chấm dứt tố tụng trọng tài. Sau khi phán quyết trọng tài được tuyên thì Hội đồng trọng tài hoàn thành việc giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài không thể thay đổi nội dung quyết định của họ trong phán quyết ngoài việc sửa lỗi kỹ thuật và khắc phục sai sót trong tố tụng trọng tài.
Ba, phán quyết trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp được nêu trong đơn kiện. Về nguyên tắc, khi ra phán quyết trọng tài, Hội đồng trọng tài phải giải quyết đầy đủ, đúng các yêu cầu của các bên. Nếu Hội đồng trọng tài bỏ sót một hoặc một số yêu cầu của các bên trong phán quyết thì các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài ra phán quyết bổ sung.
1.2 Quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài
Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định, hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký. Thực hiện thủ tục đăng ký phán quyết trọng tài để thuận lợi hơn cho việc thi hành, tuy nhiên thủ tục đăng ký không là thủ tục bắt buộc.[2]
Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết[3].
1.3 Hủy phán quyết trọng tài
Để hạn chế sự tùy tiện, pháp luật quy định sau khi vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài, nếu một bên không đồng ý sẽ có quyền yêu cầu Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định hủy quyết định giải quyết đó. Tòa án không xét xử lại việc tranh chấp, cũng không kết luận đúng sai về nội dung của quyết định cho trọng tài ban hành. Phán quyết trọng tài sẽ bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; (ii) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại; (iii) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy; (iv) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; (v) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.[4]
2. Ưu điểm và nhược điểm của các quy định về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam
2.1 Ưu điểm
Việt Nam đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ về thực thi phán quyết của trọng tài. Nhìn vào hệ thống các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh vấn đề thực thi phán quyết trọng tài gồm có: Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010, Nghị định 63/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại có thể thấy Việt Nam đã tạo lập khung pháp lý tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện về việc thực thi phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài. Các ưu điểm cơ bản của quy định pháp luật về thực thi phán quyết trọng tài là:
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam coi phán quyết trọng tài có giá trị như bản án của Tòa[5]. Do vậy phán quyết của Trọng tài sẽ được được thi hành luôn mà không cần qua thủ tục trung gian là cho công nhận và thi hành. Đây là ưu điểm cơ bản khi thi hành phán quyết của trọng tài ở Việt Nam đặc biệt khi so sánh với phán quyết trọng tài nước ngoài. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật tố dụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài[6].
Thứ hai, phán quyết trọng tài được Nhà nước đảm bảo thực thi theo pháp luật thi hành án dân sự. Theo đó Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành, tuy nhiên nếu hết thời hạn thi hành mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thì có thể bị cưỡng chế thi hành theo các biện pháp như: Khấu trừ tiền trong tài khoản; Thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành; Trừ vào thu nhập của của người thi hành; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; Khai thác tài sản của người phải thi hành phán quyết[7]... Bên cạnh đó để bảm đảm thực thi phán quyết, các quy định pháp luật cho phép chấp hành viên thi hành phán quyết có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành phán quyết nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Các biện pháp bảo đảm thi hành phán quyết được áp dụng có thể là: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản[8].
Thứ ba, phán quyết trọng tài có tính chung thẩm, bởi thế giá trị chung thẩm loại trừ khả năng sau khi có phán quyết của trọng tài vụ việc tiếp tục được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm, trừ trường hợp bị yêu cầu hủy, phán quyết có thể được thực thi ngay, do đó tránh việc kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Theo quy định pháp luật, vụ việc đã có phán quyết có hiệu lực được ban hành bởi một trung tâm trọng tài thì không được trung tâm trọng tài khác giải quyết. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 quy định Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp: “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, dù Trọng tài không phải là Cơ quan nhà nước hay Tòa án nhưng căn cứ quy định này thì với nội dung mà Trọng tài đã giải quyết thì Tòa án không giải quyết lại[9].
2.2 Nhược điểm
Bên cạnh các ưu điểm trên, pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam còn một số bất cập, ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi phán quyết trọng tài. Cụ thể:
Thứ nhất, thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài
Thực tế áp dụng quy định “hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài … thì có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài” tại Điều 66 và quy định “Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết” tại Điều 8 Luật Trọng tài thương mại 2010 phát sinh một số bất cập như sau:
Một, để xác định phán quyết “không có yêu cầu hủy” mỗi địa phương có cách thực hiện khác nhau. Ở một số địa phương, khi nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài là phía cơ quan thi hành án vẫn đặt ra điều kiện người yêu cầu thi hành án phải chứng minh phán quyết đang được yêu cầu thi hành không là đối tượng của một yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Để thực hiện yêu cầu này đương sự phải cung cấp giấy xác nhận của Tòa án về việc có/ không việc thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Trong khi Tòa án lại không có bất kỳ quy trình hay thủ tục nào để cấp Giấy xác nhận này, việc cấp giấy hoàn toàn phụ thuộc vào thực tiễn của mỗi Tòa án[10].  Trong khi đó, ở một số địa phương, cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án có sự liên thông, phối hợp rất chặt chẽ. Theo đó, trước khi nhận đơn yêu cầu của người được thi hành phán quyết trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự có công văn đề nghị tòa án có thẩm quyền, nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết, nhằm xác nhận phán quyết trọng tài có bị Tòa án tuyên hủy hoặc có đơn yêu cầu hủy hay không, khi nhận được văn bản về việc người phải thi hành phán quyết trọng tài không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hoặc nhận được quyết định không hủy phán quyết trọng tài thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ thông báo nhận đơn yêu cầu và thụ lý thi hành án, ra quyết định thi hành án và chỉ định chấp hành viên thực hiện. Trường hợp tòa án thông báo đã thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của người phải thi hành phán quyết trọng tài thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ trả lại đơn yêu cầu, hướng dẫn người được thi hành phán quyết trọng tài chờ kết quả giải quyết của tòa án. Rõ ràng, cơ chế liên thông, phối hợp sẽ đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Hai, trên thực tế các Trung tâm Trọng tài Thương mại thường tập trung tại các thành phố lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh, các phán quyết trọng tài chủ yếu được ban hành tại các trung tâm trọng tài đặt tại hai thành phố này. Các doanh nghiệp thường có hoạt động kinh doanh trên cả nước, việc quy định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết có thể dẫn tới khó khăn khi thi hành phán quyết đối với doanh nghiệp không có trụ sở kinh doanh tại hai thành phố này. Với các doanh nghiệp mà hầu hết tài sản của doanh nghiệp sẽ tập trung ở nơi doanh nghiệp có trụ sở chính thì để thực thi phán quyết trọng tài đặc biệt trong trường hợp cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, biện pháp bảo đảm thi hành cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết và cơ quan thi hành án nơi doanh nghiệp có tài sản để đảm bảo quá trình thực thi phán quyết không bị kéo dài.
Thứ hai, quy định về hủy phán quyết trọng tài
Khi phán quyết trọng tài bị hủy bởi tòa án thì không thể thực thi được. Ở một số quốc gia, phán quyết trọng tài vẫn được thi hành cho đến khi có lệnh mới của Tòa án về việc dừng phán quyết trọng tài đó. Tuy nhiên ở Việt Nam, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là một trong những rào cản để thực thi phán quyết sau khi phán quyết đó đã được Hội đồng trọng tài ban hành. Nhận thấy, hủy phán quyết trọng tài là cần thiết (là cơ chế giám sát cho việc giải quyết tranh chấp của trọng tài) nhưng quy định hủy phán quyết trong pháp luật trọng tài thương mại ở Việt Nam còn một số bất cập, ảnh hưởng đến việc thực thi phán quyết trọng tài đó là:
Một, các căn cứ hủy phán quyết trọng tài được nêu tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 còn chưa rõ ràng dẫn tới việc áp dụng quy định trong thực tế còn thiếu thống nhất. Cụ thể:
- Về căn cứ “thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại”, Nghị quyết 01/2014/NQ- HĐTP có hướng dẫn cụ thể tại Điều 14. Theo đó, Tòa án sẽ chỉ ra quyết định, hủy phán quyết trọng tài khi xét thấy đó là những “vi phạm nghiêm trọng” và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án quy định tại Khoản 7 Điều 71 Luật trọng tài thương mại 2010. Tuy nhiên việc nhận định như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” vẫn được các Tòa án áp dụng không thống nhất.
- Về căn cứ “tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”. Theo Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài được xác định khi tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và tranh chấp khác theo quy định pháp luật được giải quyết bằng trọng tài. Áp dụng quy định đó, vấn đề xác định thẩm quyền của trọng tài trong trường hợp có “ít nhất một bên có hoạt động thương mại” và các tranh chấp liên quan bất động sản gặp một số khó khăn. Thật vậy, hiện nay việc xác định thẩm quyền của trọng tài trong các tranh chấp mà ở đó một bên có hoạt động thương mại ở các lĩnh vực lao động, môi trường… hay tranh chấp hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thuộc thẩm quyền trọng tài hay không vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Chiếu theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, pháp luật Việt Nam có sự phân biệt tranh chấp liên quan bất động sản thành 02 loại đó là: tranh chấp về bất động sản/ có đối tượng là bất động sản và tranh chấp không có đối tượng là bất động sản. Đối với tranh chấp về bất động sản thì chỉ có Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết, còn tranh chấp liên quan bất động sản nhưng không có đối tượng là bất động sản như thừa kế tài sản, hôn nhân và gia đình… thì Tòa án vẫn có thẩm quyền nhưng không xác định theo thẩm quyền riêng biệt về lãnh thổ. Tuy nhiên phân loại tranh chấp liên quan bất động sản như vậy chưa được xác định có thể áp dụng khi xác định thẩm quyền của trọng tài hay không. Trong khi đó, các quy định pháp luật chuyên ngành như Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở không quy định nhưng cũng không hạn chế, loại trừ thẩm quyền của trọng tài. Do đó, thực tế còn quan điểm khác nhau dẫn tới việc hủy phán quyết trọng tài do “không thuộc thẩm quyền” không thống nhất.
- Về căn cứ “chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo”, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã có quy định đầy đủ hơn Luật trọng tài thương mại 2010 rất nhiều về cái vấn đề chứng cứ thu thập chứng cứ cũng như vấn đề đánh giá chứng cứ, nguồn chứng cứ, … tuy nhiên không có căn cứ để áp dụng tương tự, toàn bộ các quy định về chứng cứ trong pháp luật tố tụng dân sự trong tố tụng trọng tài.
- Về căn cứ “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, quy định này thiếu rõ ràng nên việc áp dụng một cách tùy tiện là không thể tránh khỏi. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn cụ thể về căn cứ này: "Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài”, nhưng trên thực tế việc tòa căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 68 để hủy phán quyết trọng tài mà không nêu rõ phán quyết sai chỗ nào, vi phạm nội dung cụ thể ra sao là không thuyết phục và đó là tình trạng vẫn rất phổ biến.
Hai, không có cơ chế giám sát quyết định hủy phán quyết trọng tài của Tòa án dẫn tới tình trạng việc hủy phán quyết trọng tài còn có phần tùy tiện. Thực tế hiện nay các quyết định tuyên hủy phán quyết trọng tài của Tòa án không có trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm. Như vậy, quyết định hủy phán quyết trọng tài của tòa àn không bị giám sát. Đây mặc dù là một nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng ở Việt Nam, việc thiếu cơ chế giám sát quyết định hủy phán quyết trọng tài của tòa án có thể dẫn tới hậu quả tiêu cực.
Ba, thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ thể thực hiện quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài mà không có căn cứ chứng minh. Luật trọng tài thương mại 2010 phân chia nghĩa vụ chứng minh về căn cứ hủy phán quyết trọng tài thành 02 trường hợp: đối với căn cứ tại các Điểm a, b, c, d của Khoản 2 Điều 68 thì bên yêu cầu phải chứng minh trước Tòa án, phán quyết trọng tài vi phạm một hay nhiều các căn cứ đó, đối với căn cứ tại điểm đ Khoản 2 Điều 68 thì Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài. Quy định về nghĩa vụ chứng minh là cần thiết để ngăn chặn sự lạm dụng của bên yêu cầu. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các quy định mang tính chất chế tài nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ thể, ví dụ trách nhiệm bồi thường nếu yêu cầu mà không có chứng cứ chứng minh hoặc chứng cứ chứng minh không chính xác sẽ làm giảm ý nghĩa của các quy định về nghĩa vụ chứng minh khi yêu cầu này.
3. Kết luận và khuyến nghị
Thứ nhất, điều chỉnh các quy định về nghĩa vụ chứng minh “phán quyết được yêu cầu thi hành không là đối tượng của yêu cầu hủy phán quyết tại Tòa án” và bổ sung các quy định để thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án, Tòa án và Trọng tài. Điều 1 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi năm 2014 quy định về trình tự, thủ tục thi hành quyết định trọng tài như sau: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”. Quy định trên chưa thể hiện rõ vậy “tài liệu khác có liên quan” bao gồm những tài liệu nào. Bởi thế dẫn tới thực tế bất cập đã phân tích ở mục 2 đó là, phía cơ quan thi hành án có yêu cầu buộc bên yêu cầu thi hành phán quyết (đương sự) phải cung cấp xác nhận Tòa án có đang thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hay không, trong khi đó một số cơ quan thi hành án lại có cơ chế liên thông khá chủ động với Tòa án địa phương. 
Thứ hai, điều chỉnh các quy định pháp luật về hủy phán quyết trọng tài
Một, xuất phát từ nguyên tắc bất kỳ quyền lực nào, nếu không có giám sát sẽ dẫn tới lạm dụng và tùy tiện, pháp luật trọng tài cần có cơ chế giám sát việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án. Có thể áp dụng trở lại thủ tục xét kháng cáo, kháng nghị quyết định hủy phán quyết trọng tài của Tòa án như quy định trước đây trong Pháp lệnh trọng tài 2003.
Hai, nên bổ sung quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp yêu cầu hủy không có chứng cứ. Các nội dung liên quan đến điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại, thời hạn yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại khi đó… được áp dụng tương tự chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự.
Ba, xem xét lại một số quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài để đảm bảo các căn cứ đều rõ ràng và được áp dụng thống nhất trên thực tế.
Thứ ba, đề xuất việc điều chỉnh quy định tại khoản 8 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án". Nhận thấy, dù phán quyết trọng tài có bị Tòa án hủy (theo các căn cứ ở Điều 68) nhưng nếu thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu thì trọng tài vẫn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Việc sau khi phán quyết trọng tài bị hủy, xét về tâm lý của các bên tranh chấp thì nếu được chọn, các bên có xu hướng khởi kiện tại Tòa án (cơ quan vừa hủy phán quyết trọng tài) thay vì tiếp tục giải quyết tại Trọng tài. Bởi vậy, để góp phần nâng cao vị thế của trọng tài trong thời gian tới, thiết nghĩ cần phải điều chỉnh Điều 71 để sau khi phán quyết bị hủy, tranh chấp vẫn được quay trở lại cho trọng tài giải quyết với trình tự mới. Hướng giải quyết này là hợp lý và hạn chế được việc một bên tìm cách hủy phán quyết trọng tài để chuyển sang tố tụng Tòa án.
Như vậy, các quy định của pháp luật hiện hành về thực thi phán quyết trọng tài bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn tồn tại những hạn chế. Để hoạt động thực thi phán quyết trọng tài đảm bảo hiệu quả hơn nữa, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, quy định pháp luật về vấn đề thực thi phán quyết trọng tài nói riêng và Luật Trọng tài thương mại 2010 nói chung cần tiếp tục được nghiên cứu để khắc phục các hạn chế và ngày càng hoàn thiện./.

 
[1] Xem Khoản 10 Điều 3 và Khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010
[2] Xem Điều 62 và Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010
[3] Xem Khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại 2010
[4] Xem Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010
[5] Xem Điều 2 Luật thi hành án dân sự sđbs năm 2014
[6] Xem Khoản 5 Điều 5 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010
[7] Xem Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014
[8] Xem Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014
[9] Xem Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010
[10] https://vcci.com.vn/ve-viec-thi-hanh-phan-quyet-trong-tai-theo-quy-dinh-tai-dieu-67-luat-trong-tai-thuong-mai-nam-2010-thi-%E2%80%9Cphan-quyet-trong

Xem thêm »