Tranh chấp trong hợp đồng xây dựng rất đa dạng, tuy nhiên thông thường có thể chia ra thành ba loại: Tranh chấp về mặt thời gian, tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán và tranh chấp về chất lượng thi công công trình.
1. Những tranh chấp thường gặp trong hợp đồng xây dựng
Tranh chấp về thời gian, đơn cử như tranh chấp về việc chủ đầu tư chậm tiến độ phê duyệt lệnh thay đổi hay bàn giao mặt bằng dẫn tới công việc chậm tiến độ. Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán có thể liên quan tới giá trị của một hạng mục công việc chưa được các bên thỏa thuận nhưng phát sinh trong quá trình thực hiện. Tranh chấp về chất lượng thi công công trình có thể ví dụ như tranh chấp về chất lượng công trình có tốt hay không, có đạt tiêu chuẩn hay không, hay tranh chấp về bảo hành…
2. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong hợp đồng xây dựng
Có rất nhiều lý do dẫn tới tranh chấp. Ví dụ như tranh chấp về thời gian. Nếu xảy ra tình huống chủ đầu tư chậm phê duyệt công việc bổ sung hay chậm bàn giao mặt bằng thì nhà thầu sẽ khiếu nại, vì họ không thể đảm bảo tiến độ. Họ không thể chịu phạt tiến độ vì lỗi của chủ đầu tư. Mỗi ngày chờ họ lại phát sinh chi phí, chi phí chuyên gia, chi phí quản lý, chi phí cho nhà thầu phụ…
Những tranh chấp này thường xuyên xảy ra, nhất là với chủ đầu tư là cơ quan Nhà nước hay dự án sử dụng vốn Nhà nước. Mọi phê duyệt của chủ đầu tư trong các dự án này đều liên quan đến nhiều luật khác nhau như Luật Kiểm toán, Luật Thanh tra, Luật Xây dựng và có các quy định đặc thù như định mức, đơn giá… Thông lệ cũng là phải xin ý kiến Bộ Ngành nhiều, dẫn tới chậm trễ trong việc trả lời cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, các mẫu hợp đồng thông dụng trong các dự án lớn cũng có nhiều quy định vênh với quy định pháp luật Việt Nam hay thực tiễn thực hiện hợp đồng. Ví dụ, việc đánh giá khiếu nại của nhà thầu trong mẫu hợp đồng FIDIC thông thường chỉ cần một chỉ đạo từ tư vấn giám sát hay kỹ sư. Tuy nhiên các chủ đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt nếu dự án dùng vốn Nhà nước, sẽ không thể thực hiện đơn giản như vậy được.
3. Thực trạng giải quyết tranh chấp xây dựng hiện nay tại Việt Nam
Theo số liệu những năm gần đây, tranh chấp xây dựng đưa đến giải quyết tại các Trung tâm trọng tài đang ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm chiếm khoảng 10% tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài và cũng là những vụ việc có trị giá cũng như độ phức tạp cao nhất.
Theo khảo sát của Trung tâm trọng tài, nguyên nhân tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là do các vi phạm về thanh toán, chất lượng công trình, tiến độ thi công hoặc đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng…
Về cách thức giải quyết, tại Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng, còn lại lựa chọn các phương án khác như: hòa giải, trọng tài, tòa án, chấm dứt quan hệ thậm chí nhiều doanh nghiệp còn “mặc kệ” không làm gì cả.
Vì thế, tại Trung tâm trọng tài, tính từ năm 1993 đến nay, lĩnh vực xây dựng chiếm 14% tổng số lĩnh vực tranh chấp cần được giải quyết, đứng thứ hai về số lượng tranh chấp (sau lĩnh vực mua – bán), nhưng luôn đứng đầu về trị giá các vụ việc tranh chấp.
Theo thống kê của Trung tâm trọng tài, tổng giá trị các vụ tranh chấp trong lĩnh vực này hiện lên tới 18 nghìn tỷ đồng, tương đương trung bình 90 tỷ đồng/vụ việc, trong đó có vụ án giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng.
Hơn nữa, đặc điểm hợp đồng xây dựng có tranh chấp tại Trung tâm trọng tài là sự tham gia của nhiều hơn một nhà thầu, có nhà thầu nước ngoài; áp dụng tiêu chuẩn thiết kế của nhiều nước khác nhau; có sự chuyển đổi chủ đầu tư trong quá trình triển khai…
Điều này cho thấy các vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng thường diễn biến phức tạp, giá trị lớn nên cần phương thức giải quyết hợp lý, đúng pháp luật, đặc biệt là phải có sự tham gia của các luật sư nhằm tránh thiệt hại cho các bên.
Trong quá trình thực hiện các hợp đồng xây dựng có rất nhiều tranh chấp có thể phát sinh bởi các nguyên nhân khác nhau.
Nếu các tranh chấp này đã được dự liệu ngay trong hợp đồng thì khi phát sinh các bên sẽ có cơ chế giải quyết.
Nhưng nếu tranh chấp này chưa được các bên dự liệu khi soạn thảo và ký kết hợp đồng thì sẽ dẫn tới việc giải quyết kéo dài mà hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, gây thiệt hại về kinh tế cho các bên.
Các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng thường phát sinh do nhiều nguyên nhân mà trong đó chủ yếu xuất phát từ các vi phạm của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu như:
Các vi phạm xuất phát từ phía chủ đầu tư:
+ Sai phạm do khảo sát, thiết kế không cẩn thận;
+ Chủ đầu tư đề xuất các yêu cầu vượt quá phạm vi hợp đồng, tự ý thay đổi thiết kế và quy phạm kỹ thuật, kéo dài thời gian giao tài liệu bản vẽ, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng;
+ Chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát ra lệnh tăng/giảm khối lượng công trình hoặc yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình mà không có sự thống nhất của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
+ Chủ đầu tư không thanh toán đúng tiến độ khối lượng công việc.
Các vi phạm xuất phát từ phía nhà thầu:
+ Thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình;
+ Kéo dài tiến độ thi công công trình, không chấp hành lệnh thay đổi của chủ đầu tư dẫn đến tổn thất kinh tế hoặc kéo dài ngày công;
+ Tạm ngừng hoặc dừng công trình không có lý do hợp pháp.
Từ các vi phạm trên, các bên thường vướng vào một số loại tranh chấp phổ biến như: tranh chấp liên quan đến thiết kế; các yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng bị chậm trễ, không bảo đảm chất lượng; bồi thường trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng; yêu cầu liên quan đến bảo hiểm công trình, yêu cầu liên quan đến bảo hành công trình, chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng…
1. Tranh chấp xây dựng do vi phạm tiến độ thanh toán theo đúng hợp đồng
Khi các nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ thi công theo hợp đồng nhưng chủ đầu tư lại không tiến hành thanh toán đầy đủ khối lượng mà nhà thầu đã thi công hoặc có thể tìm cách gây khó khăn, chậm trễ thanh toán làm thiệt hại kinh tế cho nhà thầu.
Trước khi phát sinh tranh chấp này, nhà thầu cần lưu ý khi ký kết hợp đồng phải quy định điều khoản phạt do chậm thanh toán trong hợp đồng và điều khoản bồi thường lãi do chậm thanh toán theo hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Sau khi phát sinh tranh chấp này, để đảm bảo chứng minh hồ sơ của mình đủ điều kiện thanh toán, nhà thầu cần hoàn thiện đầy đủ các chứng từ như Biên bản nghiệm thu khối lượng, biên bản nghiệm thu thanh toán (Quyết toán), xuất đầy đủ hóa đơn GTGT, gửi công văn đề nghị thanh toán đến chủ đầu tư, gửi đủ các chứng chỉ bảo hành, chứng chỉ nguồn gốc nguyên vật liệu.
Đây là các bước tiền đề tạo vị thế có lợi về cơ sở pháp lý trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.
2. Tranh chấp xây dựng do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình
Trong lĩnh vực thi công xây dựng vấn đề tiến độ và chất lượng công trình là các yếu tố quan trọng thường được quy định chặt chẽ tại các hợp đồng thi công xây dựng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thi công do tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau như thời tiết, điều kiện về vốn, nhân lực dẫn đến nhà thầu đã thi công công trình không đảm bảo về mặt thời gian hoặc chất lượng công trình. Điều này dẫn tới phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công về việc phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường vi phạm hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp này các bên cần lưu ý:
– Chỉ được chấm dứt hợp đồng nếu như hợp đồng có quy định việc chậm tiến độ thi công hoặc không đảm bảo chất lượng công trình là điều kiện để một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Chỉ được yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có quy định điều khoản phạt vi phạm;
– Thiệt hại được yêu cầu bồi thường phải là thiệt hại thực tế phát sinh trực tiếp do lỗi của một bên. Thiệt hại này bao gồm: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm;
– Về phía chủ đầu tư: chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu phải giao Chứng thư bảo lãnh nếu theo hợp đồng có quy định việc nhà thầu mở bảo lãnh. Đồng thời chủ đầu tư có quyền yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh thực hiện thanh toán bảo lãnh đối với thiệt hại xảy ra do chất lượng công trình của nhà thầu thực hiện.
Khi xảy ra tranh chấp nêu trên, để hạn chế rủi ro, chứng minh được lỗi không thuộc về mình, các bên cần lưu ý hoàn thiện các chứng từ để chứng minh đơn vị mình đã hoàn thiện các nội dung công việc theo hợp đồng như:
+ Đối với chủ đầu tư: cần có văn bản về việc yêu cầu nhà thầu thi công hoàn thành tiến độ. Biên bản làm việc giữa các bên thể hiện nội dung nhà thầu thi công đã không hoàn thành tiến độ, chứng từ chứng minh về việc đã chuyển tiền tạm ứng theo hợp đồng,…
+ Đối với nhà thầu thi công: để hạn chế vấn đề bồi thường thiệt hại cần chứng minh lỗi tiến độ là do lỗi khách quan hoặc do lỗi của chủ đầu tư,…
3. Tranh chấp xây dựng do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu không thể tránh khỏi việc mâu thuẫn không thể thống nhất hoặc vì các lý do riêng mà một trong hai bên đã tiến hành chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Khi một trong hai bên chấm dứt hợp đồng sẽ xảy ra thiệt hai cho bên còn lại. Hệ quả tất yếu đó là tranh chấp sẽ xảy ra giữa các bên về yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
Đối với tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, khi giải quyết tranh chấp, các bên cần chú ý. Bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng. Nếu trong hợp đồng có quy định điều khoản phạt vi phạm hợp đồng.
Trường hợp nếu bên bị vi phạm là chủ đầu tư thì chủ đầu tư cũng có quyền yêu cầu Ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Hơn nữa, thực tế, hầu hết bên nhà thầu thường là bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu cần lưu ý cân nhắc tất cả các khoản bồi thường, phạt vi phạm phát sinh và nên thương lượng với đối tác trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Tránh trường hợp sẽ bị đối tác kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
4. Đề xuất phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp
Tòa án và trọng tài thương mại đều là những hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại. Thủ tục của hai cơ quan này đều căn cứ trên những nguyên tắc chung như tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, đảm bảo sự độc lập của người tài phán. Tuy nhiên, cơ chế tố tụng của hai cơ quan này có những sự khác biệt cơ bản về tính chất pháp lý, thẩm quyền, điều kiện thụ lý, nguyên tắc xét xử… Trong đó, trọng tài được thành lập nhằm cung cấp cho các nhà kinh doanh một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện, phù hợp với tâm lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ giúp các tranh chấp được giải quyết nhanh gọn, không theo quá trình sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm như bên tòa án. Hơn nữa, chi phí cho giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở một mức độ hợp lý hơn.
Nhưng trên hết, để tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có, “thành bại” của hợp đồng xây dựng nằm ở sự lựa chọn của các bên về loại hợp đồng, hình thức giá hợp đồng, mô hình quản lý cũng như việc chuẩn bị hồ sơ để làm hợp đồng./.