THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẰNG PHƯƠNG THỨC TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

16/11/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Trọng tài thương mại, được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 01/01/2011 (sau đây viết tắt là Luật TTTM), thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại số 08/2003/PL-UBTVQH11. Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 và Nghị định số 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật TTTM; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BTP ngày 07/11/2012 về ban hành một số biểu mẫu và hoạt động trọng tài thương mại; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc ban hành Thông tư số 42/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí trong lĩnh vực hoạt động trọng tài thương mại, Thông tư số 222/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề trong lĩnh vực trong tài thương mại.
Tòa án   nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn một số quy định tại Luật TTTM và Công văn số 07/TANDTC-KHXX ngày 13/1/2015 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn TAND các cấp về việc thi hành Luật TTTM.
Nhìn chung, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TTTM đã được các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ ban hành kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình đã tổ chức các hoạt động phổ biến, giới thiệu Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức trong ngành và cộng đồng doanh nghiệp với hình thức phù hợp… Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương trong việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật TTTM; tổ chức hội nghị để tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật TTTM cho các đối tượng liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho trọng tài viên…
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, Quốc hội cũng đã sửa đổi, bổ sung chế định về trọng tài thương mại trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Đầu tư 2014, Luật thương mại hợp nhất số 03/VBHN-VPQH, Luật Xây dựng 2014...
Trước ngày 01/07/2003, ở nước ta chỉ thừa nhận một hình thức Trọng tài duy nhất, khi Pháp lệnh trọng tài Thương mại ra đời, lần đầu tiên hình thức     trọng tài vụ việc được thừa nhận chính thức trong một văn bản pháp luật quan trọng áp dụng giải quyết tranh chấp trong quan hệ kinh tế trong nước và quan hệ kinh tế quốc tế. Tính đến trước khi Luật TTTM 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực thì toàn quốc mới có 07 Trung tâm trọng tài. Tuy nhiên, kể từ sau khi Luật TTTM 2010 ra đời với những điểm mới tiến bộ đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài, cơ bản đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong giải quyết tranh chấp về thương mại trong nước cũng như quốc tế đồng thời đề cao việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài - là xu thế trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thì số lượng các trung tâm trọng tài lẫn trọng tài viên đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến 30/6/2022, cả nước đã có 42 Trung tâm trọng tài thương mại và 01 văn phòng đại diện của Ủy ban trọng tài thương mại Hàn Quốc đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước 4. Tuy số lượng Trung tâm trọng tài được thành lập tương đối nhiều nhưng cơ sở vật chất của một số Trung tâm trọng tài chưa đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp của người dân và doanh nghiệp; công tác quản trị, điều hành... của một số Trung tâm còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa hiệu quả.

  1. Số trọng tài viên cả nước
Trước khi Luật TTTM 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua và có            hiệu lực thì toàn quốc có tổng số Trọng tài viên là 165 người (không có trọng tài viên là người nước ngoài do sự hạn chế của Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003), trong đó, riêng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có 123 Trọng tài viên.
Đến nay, theo thống kê, toàn quốc đã có khoảng 700 trọng tài viên, trong  đó có một số trọng tài viên là người nước ngoài, quy định mở rộng đối tượng cho người nước ngoài được làm Trọng tài viên của các Trung tâm Trọng tài Việt Nam là một trong những bước đột phá của Luật TTTM 2010, việc này không chỉ bảo đảm quyền tự do chọn cơ quan tài phán của các bên tranh chấp mà còn tăng tính cạnh tranh cho hoạt động Trọng tài, giúp các Trọng tài viên Việt Nam nâng cao trình độ trong quá trình hội nhập và thúc đẩy sự phát triển của Trọng tài Việt Nam.
Có thể nói, trong hơn 12 năm qua, số lượng trung tâm trọng tài và trọng tài viên ở nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, phần nào đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong giai đoạn hiện nay. Nhiều trọng tài viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực hội nhập quốc tế như bảo hiểm, thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài…và có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ khi tham gia các vụ việc tranh chấp quốc tế.
  1. Hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng các bên có thể thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, tùy theo ý chí, sự lựa chọn của các bên mà tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài Việt Nam hoặc được giải quyết bằng trọng tài nước ngoài - là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài, do các bên thỏa thuận, lựa chọn để giải quyết tranh chấp ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam. Luật TTTM 2010 có một chương riêng quy định về tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định tại Điều 74 thì tổ chức Trọng tài nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam dưới 02 hình thức gồm: “Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài” “Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài”. Mặc dù Luật đã mở rộng cho trung tâm trọng tài nước ngoài được phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam nhưng cho đến nay mới có 01 tổ chức trọng tài nước ngoài thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam7.
Về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã có quy định cụ thể về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, cụ thể: từ Điều 424 đến Điều 430. Phán quyết của trọng tài nước ngoài theo quy định hiện hành (Khoản 3 Điều 424 BLTTDS, Khoản 11, 12 Điều 3 Luật TTTM) bao gồm 02 trường hợp: (i) Khi thủ tục tố tụng trọng tài bị điều chỉnh bởi pháp luật trọng tài nước ngoài và (ii) Khi vụ tranh chấp được giải quyết tại một tổ chức trọng tài nước ngoài được thành lập theo pháp luật trọng tài nước ngoài. Phán quyết của trọng tài nước ngoài muốn được công nhận giá trị pháp lý và được thi hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thẩm phán tại tòa án cấp sơ thẩm ở Việt Nam áp dụng đúng, thống nhất các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật TTTM cũng như các văn bản có liên quan khác trong thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân Tối cao cũng đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao nhằm hướng dẫn thi hành một số quy định tại Phần thứ VII của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Tòa án cấp sơ thẩm.
  1. Kết quả hoạt động của một số Trung tâm trọng tài
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác trên thị trường quốc tế ngày một nhiều hơn thì đồng thời cũng xuất hiện các tranh chấp kinh tế, thương mại nhiều hơn. Với các ưu điểm nổi bật như: tiết kiệm chi phí, thời gian; tính bảo mật cao; có giá trị thi hành ngay.., các thỏa thuận trọng tài đã dần được các bên tin tưởng lựa chọn áp dụng ngay khi giao kết hợp đồng. Từ khi Luật TTTM 2010 được thông qua, đến nay, số lượng vụ tranh chấp được các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết thông qua trọng tài liên tục thay đổi và có xu hướng ngày một tăng. Theo thống kê sơ bộ, trong 10 năm (từ 2011-2020) các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 2900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn, tuy nhiên chủ yếu vẫn xuất phát từ các giao dịch mua bán hàng hóa. Bên cạnh đó, các vụ tranh chấp thuộc một số lĩnh vực như xây dựng, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, tài chính ngân hàng hay cho thuê tài sản cũng chiếm số lượng không nhỏ.
Về nội dung tranh chấp tại các Trung tâm trọng tài cũng đa dạng và giá trị tranh chấp tỉ lệ thuận với nội dung vụ việc và số lượng các bên tham gia.
Về chủ thể tham gia tranh chấp, đa phần khách hàng của các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam đều là các doanh nghiệp nội, chỉ có một số Trung tâm trọng tài hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và uy tín quốc tế mới thu hút được các khách hàng nước ngoài.

4. Nhận định và đánh giá chung

Luật TTTM đã quán triệt tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đó là “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, khắc phục được các bất cập của Pháp lệnh TTTM 2003, tiếp thu các tiêu chuẩn và thực tiễn pháp luật trọng tài quốc tế, thúc đẩy trọng tài trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, cụ thể:
Thứ nhất, Luật TTTM đã tiếp thu các nguyên tắc quan trọng của Luật Mẫu về trọng tài của UNCITRAL, tạo ra một khuôn khổ tương đối thuận lợi cho sự phát triển của phương thức trọng tài. Các quy định trọng Luật TTTM về cơ bản đáp ứng các yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài tại Việt Nam và tương đồng với pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế.
Thứ hai, Luật TTTM tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, đây là nguyên tắc cơ bản của phương thức trọng tài, được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài, từ khi bắt đầu trọng tài đến giai đoạn kết thúc tố tụng trọng tài, đảm bảo các bên có quyền tự do thỏa thuận về thủ tục tố tụng, pháp luật chỉ can thiệp khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận trái với quy định pháp luật.
Thứ ba, Quy định rõ về vai trò của Tòa án trong hỗ trợ và giám sát đối với hoạt động trọng tài. Tòa án hỗ trợ trong việc thành lập hội đồng trọng tài vụ việc, giải quyết yêu cầu thay đổi Trọng tài viên; hỗ trợ hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, hỗ trợ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong việc giám sát, Tòa án thực hiện việc giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của hội đồng trọng tài, giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Thứ tư, Luật TTTM xác lập nguyên tắc mất quyền phản đối, theo đó, nếu một bên phát hiện có vi phạm về tố tụng hoặc pháp luật trọng tài thì bên đó buộc phải nêu ra trong giai đoạn tố tụng trọng tài, nếu không sẽ bị mất quyền phản đối tại Tòa án.
Thứ năm, Luật TTTM mở rộng thẩm quyền cho hội đồng trọng tài, giúp quá  trình tố tụng hiệu quả hơn:
  • Luật TTTM trao thẩm quyền cho Hội đồng trọng tài được triệu tập nhân chứng là quy định có ý nghĩa quan trọng, giúp quá trình tố tụng trọng tài được tiến hành một cách có hiệu quả. Trên thực tế việc tham gia của nhân chứng trong quá trình tố tụng trọng tài là một nhu cầu thiết thực và ngày một gia tăng trong thực tiễn.
  • Điểm rất mới của Luật TTTM là trao thẩm quyền cho hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của một trong các bên, hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.
  • Thẩm quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại, bản tự bảo vệ trong trường hợp có sự lạm dụng nhằm gây khó khăn cho việc ra phán quyết trọng tài. Đây là quy định nhằm ngăn chặn một bên thiếu thiện chí và hợp tác trong quá trình tố tụng trọng tài, đảm bảo quá trình tố tụng không bị trì hoãn, kéo dài vô thời hạn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí khi giải quyết tại trọng tài./.

Xem thêm »