Đoàn viên công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp

07/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 09/11/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xa hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết 27 của Trung ương nhấn mạnh xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cách tiếp cận xây dựng chính sách, pháp luật vì thế phải lắng nghe doanh nghiệp, cần dám nghĩ, dám làm.

1. Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật
Đoàn viên công đoàn là những người lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gia nhập vào tổ chức công đoàn. Pháp luật công đoàn Việt Nam có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, của tổ chức công đoàn. Trong đó, Công đoàn có vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng pháp luật nhất là tham gia với Nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động. Công đoàn cơ sở cùng với cơ quan, đơn vị, tổ chức, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội và Chính phủ. Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ về lao động.
Tổ chức Công đoàn thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình thông qua đoàn viên công đoàn. Đoàn viên công đoàn có vai trò quan trọng khi tham gia xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp vì cải cách thủ tục hành chính có tác động rất lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tính minh bạch, loại bỏ những rào cản và cắt giảm chi phí khi thực hiện; củng cố môi trường kinh doanh và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh. Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước gia đoạn 2021-2030, cần cải cách quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kể cả thủ tục nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: “100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Tối thiểu 90% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%... Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu”. Công cuộc cải cách thủ tục hành chính đặt ra các giải pháp, nhiệm vụ đa dạng, đồng bộ, trong đó có việc xử lý một cách căn cơ nguồn gốc xuất hiện các thủ tục hành chính và tính công vụ trong thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, nhận diện rõ hơn mối quan hệ giữa cải cách thủ tục hành chính với cải cách thể chế và chế độ công vụ.
2. Nhiều nội dung mới, quan trọng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng. Trong đó, Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Đây là những yêu cầu cao hơn về chất so với các chủ trương hiện hành, nhất là yêu cầu bảo đảm tính “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, ổn định, dễ tiếp cận” của hệ thống pháp luật.
Một trong những yêu cầu đặt ra là hệ thống pháp luật phải “kịp thời”, tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, bộ máy phải tinh gọn, để vượt qua được “căn bệnh mãn tính” là chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải có giải pháp mạnh mẽ, trong đó cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm trong xây dựng pháp luật.
Nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học... trong đó có đội ngũ công đoàn viên tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 
So với trước kia thì hiện nay việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý tiến bộ hơn rất nhiều, song trước yêu cầu của Nghị quyết, các cơ quan trong bộ máy cần mở rộng kết nối với các tổ chức, hiệp hội, gắn với thực tiễn, vì không gắn kết chặt chẽ với nhân dân, không kết nối với hàng trăm nghìn hiệp hội, chuyên gia thì khó làm được, bộ máy Nhà nước sẽ rất vất vả.
Xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc lắng nghe người dân và doanh nghiệp cần gì. Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán. 
Nhiệm vụ và giải pháp cũng nhấn mạnh xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.  
Đây là hai nội dung rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Tiếp cận vấn đề này phải tập trung trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp cần gì và chúng ta cần làm gì cho doanh nghiệp? lắng nghe doanh nghiệp để biết họ cần gì chứ không phải thuần túy xuất phát từ nhà hoạch định chính sách muốn gì.
Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi và xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân từ đó tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.... phải giữ vai trò trung tâm, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng thu nhập những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp với Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi và tiếp thu, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp, kịp thời.
3. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nhằm huy động đoàn viên công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp
Để huy động đoàn viên công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với người lao động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức công đoàn đến được với số đông người lao động trong công tác xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật. Công đoàn tiếp tục tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Thứ hai, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả, đề nghị tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cần nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện.
Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh. thủ tục hành chính
Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả.
Khẩn trương thực hiện thống kê, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba, triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp. Công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính trong đề nghị văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng thực hiện, dần đi vào ổn định, nền nếp, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính ngay trong quá trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật.
Trong thời gian tới, tiếp tục cần nâng cao chất lượng thẩm định quy định thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị thẩm định cương quyết không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa có bản đánh giá thủ tục hành chính theo quy định.
Coi trọng giải pháp tổ chức các cuộc họp tham vấn quy định thủ tục hành chính trước khi tổ chức thẩm định để nâng cao chất lượng ý kiến thẩm định về quy định thủ tục hành chính hoặc tổ chức các cuộc họp tham vấn sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau. Nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc họp của Hội đồng thẩm định và Hội đồng tư vấn thẩm định. Đăng tải công khai các báo cáo thẩm định trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thẩm định. Các cơ quan, đơn vị thẩm định cần phải phối hợp, theo dõi, bám sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định nói chung và ý kiến thẩm định quy định thủ tục hành chính nói riêng./.
TS. Trần Minh Sơn  Công đoàn Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Xem thêm »