Những sửa đổi lớn của Luật Bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân và doanh nghiệp

15/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 qua hơn 08 năm thi hành, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập . Xuất phát từ yêu cầu trên, việc Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, ngày 12/6/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, để có thêm thông tin về những vấn đề lớn sửa đổi của Luật ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu người dân và doanh nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) về vấn đề này.

Theo TS. Luật gia Trần Minh Sơn, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã: (i) Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW; (ii) Thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (iii) Bám sát 05 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15; (iv) Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực BHXH; (v) Rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014; (vi) Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực BHXH để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản. So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi cơ bản như sau:
Thứ nhất, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng: (i) Trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách; (ii) BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; (iii) Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Luật BHXH năm 2014 đã quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 26 đến Điều 31), trong đó quy định:
- Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo[1].
- Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện dự thảo kế thừa quy định việc tổ chức thực hiện như hiện hành: (i) Đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo thì các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi; (ii) Trợ cấp hàng tháng (Điều 30) do quỹ BHXH đảm bảo thì sẽ do quan BHXH thực hiện.
Thứ hai, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt) tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ của BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Thứ ba, bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc). Hiện nay có khoảng 100.000 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tại các kỳ họp Quốc hội nhiều cử tri kiến nghị bổ sung quyền lợi chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh việc phân cấp của các địa phương thì khối lượng công việc đảm nhiệm của đối tượng này ngày càng lớn, cần khuyến khích đảm bảo quyền lợi về BHXH với nhóm này. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như các đối tượng khác.
Thứ tư, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc bổ sung chế độ này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng giảm sinh.
Thứ năm, giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Tại Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì họ phải nhận BHXH một lần.
Với quy định nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu họ nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng. Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Thứ sáu, về BHXH một lần. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: (i) dễ dàng hơn điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); (ii) người lao động có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (iii) trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo. Bên cạnh đó, về quy định hưởng BHXH một lần, hiện đang có 02 phương án xin ý kiến (điểm đ khoản 1 Điều 77): Phương án 1: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm". Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".
Thứ bảy,  bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH (Điều 36); đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (Điều 44) như: (i) Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế); (ii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên; (iii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với  người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; (iv) Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện ra Toà án đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc; (v) Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. (vi) Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 25).
Thứ tám, về căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố (cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố); đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hường tiền lương;..), đặc biệt cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, theo đó tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Thứ chín, sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là sẽ không còn “mức lương cơ sở”. Luật BHXH năm 2014 quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với “mức lương cơ sở” như: mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng;... Để vừa không gây xáo trộn “về mức” so với quy định hiện hành, đồng thời vừa phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sửa đổi các mức trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ  điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH (Điều 50, 63, 66, 92,..), tương tự như điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trong giai đoạn vừa qua.
Thứ mười, đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ BHXH. Tổng hợp đề xuất của Bộ Tài chính[2] đối với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm: (i) Bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư; (ii) Danh mục đầu tư và phương thức đầu tư; (iii) Quản lý hoạt động đầu tư.
Ngoài ra, Luật BHXH sửa đổi quy định Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH theo định kỳ hai năm thay vì hằng năm như hiện hành (khoản 3 Điều 10); sửa đổi quy định về Hội đồng quản lý BHXH theo hướng quy định Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ (khoản 3 Điều 18); Sửa đổi quy định về ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày cho rõ ràng, tránh có cách hiểu khác nhau về một vấn đề, phù hợp hơn với thực tiễn mở rộng danh mục danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của pháp luật về y tế, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động bị ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày  (Khoản 2 Điều 47); bổ sung quy định tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày nhằm phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng cho người lao động (khoản 5 Điều 49).

 
[1] kế thừa một phần quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi.
[2] Công văn số 5025/BTC-HCSN ngày 18/5/2023 của Bộ Tài chính về việc đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội về đầu tư quỹ và chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện

Xem thêm »