Kinh nghiệm quốc tế nhằm giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

13/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội đã nhức nhối nhiều năm nhưng vẫn chưa có "thuốc đặc trị". Đặc biệt liên quan đến vấn đề doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện có hơn 200 nghìn người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Giải pháp nào để giải quyết quyền lợi cho hàng trăm nghìn lao động này? Biện pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội? Trao đổi về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) về kinh nghiệm một số nước về chế tài nhằm giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và bài học gì cho Việt Nam.

Theo TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, theo điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội Trung Quốc, tổ chức, cá nhân có quyền báo cáo, khiếu nại về việc không tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, quản lý nhà nước về y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thu phí bảo hiểm xã hội, cơ quan tài chính, cơ quan kiểm toán giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo thẩm quyền; đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền thì thông báo bằng văn bản kèm theo các tài liệu nhận được cho cơ quan có thẩm quyền thích hợp để giải quyết. Các cơ quan có thẩm quyền thích hợp sẽ xử lý các khiếu nại và báo cáo một cách kịp thời và mọi hành vi né tránh trách nhiệm bị nghiêm cấm.
Khi người sử dụng lao động hoặc cá nhân cho rằng lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi cơ quan thu bảo hiểm xã hội thì có quyền yêu cầu xem xét lại hành chính hoặc khởi kiện hành chính theo quy định của pháp luật.
Đối với bất kỳ sự không tuân thủ của cơ quan bảo hiểm xã hội về đăng ký bảo hiểm xã hội, tính và xác định đóng bảo hiểm xã hội, chi trả nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, chuyển đổi quan hệ bảo hiểm xã hội và các hành vi vi phạm quyền bảo hiểm xã hội khác thì người sử dụng lao động hoặc cá nhân có liên quan có thể nộp đơn yêu cầu xem xét lại hoặc khởi kiện hành chính theo quy định của pháp luật.
 Khi xảy ra tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa cá nhân với người sử dụng lao động, người đó có thể nộp đơn yêu cầu hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật. Khi người sử dụng lao động vi phạm quyền bảo hiểm xã hội của của cá nhân thì cá nhân đó cũng có thể yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thu bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định của pháp luật.
Khi người sử dụng lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội không chính xác, cơ quan bảo hiểm xã hội phải yêu cầu bằng văn bản để người sử dụng lao động điều chỉnh trong thời hạn quy định. Khi hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không điều chỉnh thì phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền phạt đối với số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội đã được giám định nhưng không quá 3 lần số tiền này; tiền phạt đối với người lao động chịu trách nhiệm trực tiếp và người liên quan khác có trách nhiệm trực tiếp là trên 500 nhưng dưới 3000 nhân dân tệ.
Khi người sử dụng lao động từ chối cung cấp tài liệu về chấm dứt hoặc huỷ bỏ quan hệ lao động, việc xử phạt sẽ được thực hiện theo Luật Hợp đồng lao động của Trung Quốc.
Khi người sử dụng lao động không nộp các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội đúng thời hạn và đầy đủ, cơ quan thu bảo hiểm xã hội phải có văn bản yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán đầy đủ trong thời hạn quy định và nộp một khoản tiền phạt ở mức 5/10.000 cho mỗi ngày quá hạn nộp. Khi hết thời hạn mà người sử dụng lao động chưa thanh toán khoản nợ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ xử phạt với mức nhiều hơn mức nợ nhưng không quá 3 lần số nợ này.
Khi cơ quan dịch vụ bảo hiểm xã hội gồm cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan cung cấp dược phẩm lạm dụng tiền trả từ quỹ bảo hiểm xã hội bằng cách gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu hoặc các hình thức khác, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội yêu cầu trả lại khoản tiền đã gian lận và quyết định xử phạt số tiền lớn gấp đôi nhưng thấp hơn không quá 5 lần của số tiền bị chiếm đoạt. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền là một bên có hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội thì hợp đồng đó bị chấm dứt; nếu người có trách nhiệm trực tiếp và người khác có trách nhiệm trực tiếp được cấp giấy phép thì bị thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi gian dối hưởng bảo hiểm xã hội thông qua gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu hay các hình thức khác, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội yêu cầu trả lại tiền bảo hiểm xã hội bị chiếm đoạt và xử phạt số tiền không ít hơn 2 lần nhưng không nhiều hơn 5 lần số tiền bị chiếm đoạt.
Tại điều 76 Luật Bảo hiểm xã hội Trung Quốc có quy định, Thường trực Hội đồng Nhân dân các cấp được Chính quyền đồng cấp báo cáo về tình hình thu chi bảo hiểm xã hội, quản lý, hoạt động đầu tư, giám sát quỹ bảo hểm xã hội; tổ chức kiểm tra việc tuân thủ luật pháp và thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội của chính quyền nhân dân từ cấp huyện trở lên tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và quy định của bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động và cá nhân. Khi cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội thực hiện kiểm tra, giám sát, người sử dụng lao động và cá nhân có liên quan phải cung cấp các tài liệu, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội một cách trung thực và không từ chối kiểm tra, cung cấp thông tin gian lận hoặc báo cáo không đầy đủ. Bộ tài chính và cơ quan kiểm toán thực hiện giám sát hoạt động thu, quản lý và đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy bất kể một người nào không hài lòng với những vụ việc đã được Cục Hưu trí quốc dân và Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân thực hiện về tình trạng bảo hiểm, về thu nhập hàng tháng tiêu chuẩn, về đóng bảo hiểm, và các nội dung khác về số tiền thu và chế độ hưởng do Cục Hưu trí quốc dân hoặc Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân quyết định, thì có thể yêu cầu Cục Hưu trí quốc dân hoặc Cục Bảo hiểm y tế quốc dân tiến hành một cuộc kiểm tra về vụ việc nêu trên.
Đề nghị Kiểm tra có thể lập ở dạng viết (bao gồm các văn bản điện tử trong vòng 90 ngày kể từ ngày mà người đó được biết về vụ việc xử lý đó được thực hiện, và sẽ không được thực hiện sau 180 ngày kể từ ngày vụ việc xử lý đó đã được thực hiện). Tuy nhiên, nếu có bằng chứng chứng minh có các lý do thích đáng khiến việc nộp Đơn Đề nghị kiểm tra không thể thực hiện được trong khoảng thời gian đã nêu, thì người đó có thể gửi một đề nghị mới sau khi thời gian của vòng yêu cầu điều tra thứ nhất kết thúc.
Ban Kiểm tra Hưu trí quốc dân được thành lập bên trong Cục Hưu trí quốc dân, và Ban Kiểm tra Thu được thành lập bên trong Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân để kiểm tra các vấn đề liên quan đến yêu cầu kiểm tra. Các vấn đề cần thiết có liên quan đến tổ chức, hoạt động, xem xét cân nhắc, v.v., của Ban Kiểm tra Hưu trí và Ban Kiểm tra Thu sẽ được quyết định tại Sắc lệnh Tổng thống.
Bất kể một người nào không hài lòng với quyết định đưa ra sau khi thực hiện kiểm tra căn cứ trên Đơn Đề nghị Kiểm tra thì có thể làm Đơn Đề nghị Phúc tra theo các văn bản đề nghị như quy định tại Sắc lệnh Tổng thống nộp lên Ban Phúc tra Hưu trí quốc gia trong vòng chín mươi (90) ngày sau ngày người đó nhận được quyết định thông báo kết quả xử lý Đơn Đề nghị kiểm tra. Phương thức và thủ tục đối với Đề nghị Phúc tra sẽ được quy định trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi.
Ban Phúc tra Hưu trí quốc gia (sau đây gọi là “Ban Phúc tra”) là đơn vị thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi được thành lập để xem xét lại các vấn đề được yêu cầu. Ban Phúc tra gồm tối đa 20 thành viên, bao gồm một Trưởng Ban. Trong trường hợp này, các thành viên mà không phải là công chức sẽ chiếm tỷ trọng trên một nửa tổng số thành viên. Các vấn đề cần thiết có liên quan đến tổ chức, hoạt động, xem xét lại,...của Ban Phúc tra sẽ được quyết định tại Sắc lệnh của Tổng Thống. Cuộc phúc tra do Ban Phúc tra tiến hành trên cơ sở Đề nghị Phúc tra sẽ được áp dụng “Đạo Luật Tố tụng Hành chính”, một vụ tố tụng hành chính chiểu theo “Đạo Luật Kháng cáo Hành chính”.
Khi một đối tượng tham gia bảo hiểm theo diện bảo hiểm theo nơi làm việc hoặc tham gia bảo hiểm theo diện cá nhân không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm hoặc các khoản phải đóng khác trong một khoảng thời gian giới hạn (đã tính cả thời gian gia hạn theo quy định), thì Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân sẽ ra một ngày hạn đóng và yêu cầu đóng. Khi Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân đã ra yêu cầu đóng, Cục này sẽ phát hành một khoảng thời gian giới hạn đóng trong vòng từ 10 ngày trở lên. Bản yêu cầu đóng được gửi đến cho một người trong số những người đồng thời chịu trách nhiệm đóng, sẽ được áp dụng cho tất cả mọi người còn lại đồng thời chịu trách nhiệm đóng.
Khi một người đã nhận được giấy yêu cầu đóng mà không thực hiện đóng phí bảo hiểm, v.v. trước ngày hết hạn, thì Cục Bảo hiểm y tế có thể thu khoản phí đóng đó theo như trường hợp truy thu nợ đóng thuế, sau khi được Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi phê duyệt. Trong trường hợp đó, nếu số tiền phải thu không đủ để trả cho khoản nợ đóng bảo hiểm, vv.v., và các khoản phí xử lý nợ, thì số tiền phải đóng sẽ bằng số tiền nợ đóng bảo hiểm cộng với số tiền phí xử lý thu nợ.
Trước khi thực hiện thu phí xử lý trốn đóng theo quy định, Cục Bảo hiểm y tế sẽ gửi một bản thông báo trong đó nêu rõ số tiền đóng bảo hiểm và số tiền phí xử lý nợ, các loại tài sản kèm theo, tiến trình thu giữ theo kế hoạch và phân loại các tài sản tài chính nhỏ theo quy định về các loại tài sản kèm theo nêu tại Đạo Luật Thu thuế quốc gia. Tuy nhiên, điều khoản này sẽ không áp dụng cho nhu cầu thu phí nợ đóng thực hiện vì các lý do đột xuất, như giải thể doanh nghiệp hoặc tương tự.
Khi được mặc nhiên cho là không phù hợp khi Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân thực hiện chuyển nhượng một tài sản được thu giữ theo như thông lệ về xử lý nợ đóng thuê quốc gia do thiếu kiến thức chuyên môn về chuyển nhượng tài sản đó hoặc vì các trường hợp đặc biệt khác, thì Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân có thể đề xuất Tập đoàn Quản lý Tài sản Hàn Quốc, một đơn vị được thành lập dựa trên “Đạo Luật về Chuyển nhượng hiệu quả các tài sản không tạo ra lợi tức, v.v., của các đơn vị tài chính và Thành lập Tập đoàn Quản lý Tài sản Hàn Quốc”, sau đây gọi tắt là “KAMCO”, như quy định tại Sắc lệnh Tổng thống. Trong trường hợp này, việc chuyển nhượng sẽ do KAMCO thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây đã từng cho là thuộc phạm vi thẩm quyền của Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân thực hiện. Khi KAMCO thay mặt Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân thực hiện chuyển nhượng, Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân có thể trả một khoản phí dịch vụ, như quy định tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi.
Nếu toàn bộ tài sản của người chịu trách nhiệm pháp lý không đủ để trang trải cho các khoản đóng bảo hiểm, các khoản phí bổ sung và các loại phí xử lý nợ phải trả, thì một đối tác chung hoặc các bên đại diện độc quyền (là đối tượng được quy định tại bất kỳ một tiêt nào trong Hành động Khung về các khoản thuế quốc gia) của người chịu trách nhiệm pháp lý, kể từ ngày chịu các khoản thu đóng, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý thứ cấp đóng phần còn thiếu. Theo quy định như vậy, trong trường hợp chỉ có một bên đại diện độc quyền, thì phần đóng còn thiếu sẽ được hạn chế trong số tiền tính bằng cách nhân số tiền thu được từ thương số của số tiền còn đóng thiếu chi cho tổng số cổ phiếu (không kể các cổ phiếu không có quyền biểu quyết) hoặc các khoản đầu của người có thẩm quyền pháp lý hữu quan nhân với số cổ phiếu hiệu lực mà bên đại diện độc quyền thực sự nắm quyền (không kể các cổ phiếu không có quyền biểu quyết) hoặc số các khoản đầu từ của bên đại diện độc quyền đó.
Khi một doanh nghiệp bị mua lại hoặc chuyển nhượng, nếu số tài sản của người thực hiện chuyển nhượng không đủ để chi trả cho các khoản đóng bảo hiểm, lệ phí bổ sung và phí xử lý nợ cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó có trách nhiệm phải quyết toán thuế lần cuối trước khi chuyển nhượng doanh nghiệp, thì người nhận chuyển nhượng sẽ là bên có trách nhiệm pháp lý phải thực hiện các khoản thiếu đóng, trong phạm vi giá trị của tài sản được chuyển nhượng. Trong trường hợp này, phạm vi của bên chuyển nhượng và giá trị của tài sản được chuyển nhượng sẽ được quy định tại Sắc lệnh Tổng thống.
Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân có thể phê duyệt đóng bảo hiểm theo diện trả góp trong trường hợp một người đã bị xử lý vắng mặt về đóng bảo hiểm không quá hai lần, như đã quy định trong Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi. Trước khi tiến hành chuyển nhượng phí xử lý nợ đóng, Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân sẽ thông báo cho đối tượng tham gia bảo hiểm theo diện cá nhân, người đã không thực hiện đóng phí bảo hiểm ít nhất là 2 lần, như đã xác định rằng người đó có thể áp dụng phương thức đóng bảo hiểm trả góp chiểu và thông báo về thủ tục và cách thức đăng ký đóng bảo hiểm theo phương thức trả góp như quy định tại Quyết định của Bộ Y tế và Phúc lợi.
Nếu một người đã được phê duyệt đóng bảo hiểm theo phương thức trả góp trong nhiều lần mà không đóng các khoản đã được phê duyệt ít nhất 2 lần mà không có lý do thích đáng, thì KAMCO sẽ thu hồi lại phê duyệt đóng bảo hiểm theo phương thức trả góp đối với người đó. Các vấn đề cần thiết liên quan đến quy trình, thủ tục và các tiêu chuẩn, v.v. trong việc phê duyệt và thu hồi phê duyệt cho đóng bảo hiểm theo phương thức trả góp sẽ được quy định trong Quyết định của Bộ Y tế và Phúc lợi.
Nếu một người có trách nhiệm đóng mà không đóng đúng hạn (đã tính cả thời gian gia hạn theo quy định), thì Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân, ngoài khoản phí xử lý nợ đóng, sẽ thu thêm khoản phí truy thu tương đương 1/1.000 của khoản phải đóng theo quy định vào cuối mỗi tháng kể từ ngày quá hạn khoản phải đóng. Trong các trường hợp này, phí truy thu sẽ không vượt quá 30/1,000 khoản phí bảo hiểm, …và các phí khác, nợ đóng.
Nếu một người có trách nhiệm đóng mà không đóng các khoản nợ đóng đúng hạn, Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân sẽ thu thêm phí tương đương 1/3,000 khoản bảo hiểm nợ đóng cộng với phí truy thu như đã nêu trong Khoản 1 đối với thời gian đủ một tháng tính từ ngày liền sau ngày cuối cùng của thời hạn đóng. Trong trường hợp này, tổng phí truy thu và phí thu thêm sẽ không quá 90/1,000 số tiền nợ đóng bảo hiểm.
Nếu vì một lý do cụ đặc thù khiến không thể thực hiện việc đóng, như thiên tai hoặc các tương tự, Cục Bảo hiểm Y tế có thể không thu phí truy thu nợ đóng.
Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân có thể công bố thông tin cá nhân như số tiền nợ đóng và tương tự của một người trốn/nợ đóng (chỉ áp dụng với người tham gia bảo hiểm theo diện bảo hiểm tại nơi làm việc) (sau đây gọi là “thông tin cá nhân,...”) nếu người trốn/nợ đóng có khoản trốn/nợ đóng bảo hiểm, phí xử lý nợ đóng, phí truy thu có tổng từ 50 triệu won trở lên quá hạn từ 2 năm trở lên kể từ ngày thời hạn đóng chiểu theo Đạo Luật này (sau đây gọi là “khoản đóng bảo hiểm”) và đã có hành vi vi phạm đóng mặc dù có khả năng đóng. Tuy nhiên, những quy định này không áp dụng nếu đối tượng đang trong thời gian kháng cáo hoặc kiện tụng tại tòa hành chính,.., hoặc bất kỳ lí do nào khác, như quy định tại Sắc lệnh của Tổng thống, chẳng hạn như trả một phần phí truy thu.
Thành lập một Ủy ban cân nhắc về việc công bố thông tin đóng trực thuộc Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân để cân nhắc kỹ lưỡng về việc công bố thông tin cá nhân,… Cục Bảo hiểm Y tế quốc dân sẽ ban hành một văn bản thông báo đến người mà toàn bộ thông tin cá nhân,... của họ đã được Ủy ban cân nhắc công bố thông tin đóng bảo hiểm quyết định là cho công khai đồng thời cho người đó một cơ hội để giải thích việc chậm/trốn đóng, và 6 tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo, Ủy ban này cuối cùng sẽ quyết định công bố toàn bộ thông tin cá nhân,... của người này bằng cách xem xét đến các yếu tố như là liệu người đó đã và đang có khả năng đóng các khoản phí truy thu hay không. Việc công bố thông tin cá nhân sẽ được công bố trên Công báo chính thức của Cục Bảo hiểm Y tế hoặc trên trang web mạng internet của Cục. Các vấn đề về việc công bố thông tin cá nhân như cơ sở đánh giá khả năng đóng, đóng phí truy thu, quy trình công bố, và thành phần cũng như cơ chế vận hành của Ủy ban cân nhắc công bố thông tin đóng, được quy định trong Sắc lệnh của Tổng thống.
Theo TS. Luật gia Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), trên cơ sở kinh nghiệm các nước, một số kinh nghiệm chính rút ra liên quan chế tài nhằm giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Để giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cần có quy định và trách nhiệm thực thi nghiêm túc của cả 4 nhóm đối tượng: (1) người lao động và người dân nói chung; (2) người sử dụng lao động; (3) cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật.
(i) Với người lao động, pháp luật cần xem xét phân loại và quy định rõ các hình thức xử phạt và cách thức cơ quan thẩm quyền có thể xử lý các trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH theo các mức độ vi phạm tăng dần, từ chậm nộp đến cố tình vi phạm.
(ii) Phối kết hợp chặt chẽ, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ trách nhiệm giám sát, đảm bảo thực thi pháp luật giữa cơ quan BHXH với các cơ quan có chức năng theo dõi, quản lý doanh nghiệp như thuế, ngân hàng, thậm chí cả Tòa án, đảm bảo có các hình thức chế tài xử phạt phù hợp, đảm bảo giảm thiểu tình trạng vi phạm của doanh nghiệp.
(iii) Trao quyền giám sát thực thi chính sách BHXH trực tiếp cho người lao động. Khi người sử dụng lao động không đóng BHXH cho người lao động thì người lao động sẽ có cơ chế phản ánh với cơ quan Nhà nước. Khi người sử dụng lao động hoặc cá nhân cho rằng lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi cơ quan thu bảo hiểm xã hội thì có quyền yêu cầu xem xét lại hành chính hoặc khởi kiện hành chính , có thể nộp đơn yêu cầu hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
(v) Để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm không bị vi phạm trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật một số nước có quy định rõ về điều khoản liên quan đến hoãn đóng BHXH và cho phép thanh toán khoản hoãn đóng đó thành nhiều lần. Trong trường hợp một người tham gia đã đóng đủ số tiền hoãn đóng trước đó thì thời gian tương ứng với số tiền đã thanh toán sẽ được cộng vào thời gian tham gia bảo hiểm của người đó.
(iv) Cơ quan tổ chức thực hiện BHXH và các cá nhân, cơ quan thực hiện dịch vụ BHXH có trách nhiệm liên quan trực tiếp khi để xảy ra các tình trạng chậm đóng, trốn đóng. Luật pháp quy định cụ thể các hành vi vi phạm và chế tài xử lý liên quan đến các cá nhân và từng cơ quan này./.

Xem thêm »