Tọa đàm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt.

11/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tọa đàm được tổ chức ngày 11/9/2020 tại Khánh Hòa, do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình 585

Các nội dung được trình bày và thảo luận tại tọa đàm gồm: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua kết quả pháp điển đề mục Thuế thu nhập doanh nghiệp; Quy định pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực trạng và nhu cầu hoàn thiện; Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam hiện nay, những nội dung bất cập, hạn chế và giải pháp khắc phục; Hệ thống quy phạm pháp luật và những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp về quản lý thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam;  Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp tư nhân; Phân tích các quy định pháp luật về quản lý thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp xây dựng; Quy định pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam - Những nội dung bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện; Hoàn thiện quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt và hiệu quả của việc áp dụng pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Các quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm trừ thuế tiêu thụ đặc biệt; Những tồn tại, hạn chế trong việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp khắc phục.


Qua thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể như sau:
Vướng mắc 1: Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp phải trích khấu hao kể từ ngày tăng tài sản cố định, tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao nhưng chỉ được tính vào chi phí phần trích khấu hao kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế. Quy định này thực tế đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp mới thành lập trong quá trình triển khai thực hiện.
Giải đáp của chuyên gia:
Cần bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải gửi thông báo phương pháp trích khấu hao đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính thuế. Bên cạnh đó, để có cơ sở pháp lý cho cơ quan thuế khi thực hiện thanh tra kiểm tra thuế tại doanh nghiệp xác định được doanh nghiệp đã thực hiện trích khấu hao theo quy định, đồng thời, giúp giảm bớt nguy cơ bị xuất toán cho doanh nghiệp khi bị thất lạc thông báo phương pháp trích khấu hao có xác nhận đã nộp cho cơ quan thuế và quan trọng hơn là để giảm bớt chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế cho doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh để thu hút đầu tư. Song song đó, cơ quan thuế cần giảm tải bớt lượng hồ sơ theo quy định thủ tục hành chính thuế phải tiếp nhận tại bộ phận một cửa và nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cần có để phục vụ cho công tác lưu trữ.
Vướng mắc 2:
Về đăng ký thuế giá trị gia tăng, từng bước văn minh hoá, hiện đại hoá cơ chế thực hiện nghĩa vụ thuế thuế giá trị gia tăng. Pháp luật thuế thuế giá trị gia tăng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung về việc đăng ký thuế để khắc phục những vướng mắc trên?
Giải đáp của chuyên gia:
Một là, lập quy định theo mã tỉnh có thể không đảm bảo tính ổn định về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp cũng như sự phức tạp trong quản lý.
Hai là, mã tình trạng nộp thuế thuế giá trị gia tăng (NO) không đảm bảo nguyên tắc mỗi đối tượng nộp thuế chỉ được cấp một mã số thuế duy nhất trong suốt quá trình hoạt động từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động.

Về kê khai nộp thuế thuế giá trị gia tăng, tính tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tượng là yếu tố then chốt cơ bản quyết định sự thành công lớn của quá trình tổ chức thực hiện các luật thuế. Vì vậy, pháp luật điều chỉnh thuế nói chung và thuế thuế giá trị gia tăng nói riêng cần có những quy định nâng cao khả năng tự giác của đối tượng nộp thuế. Đặc biệt với sự phát triển ngày càng đa dạng của các đối tượng nộp thuế thì sự tự giác của đối tượng nộp thuế càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chính sự tự kê khai và nộp thuế theo kê khai của mình thay cho cơ quan tính thuế và ra thông báo nộp thuế đã chuyển trách nhiệm pháp lý cho đối tượng nộp thuế về những thông tin trong tờ khai thuế của họ với những quy định xử phạt phù hợp sẽ góp phần tăng cường ý thức tuân thủ nghiêm luật thuế.
Về quyết toán thuế thuế giá trị gia tăng, khi thực hiện cơ chế tự kê khai, tự tính thuế nộp vào ngân sách nhà nước thì việc quyết toán thuế trở nên hết sức quan trọng và nó không mang thủ tục hành chính như trước đây nữa, vì vậy cần phải có sự quy định chặt chẽ về vấn đề này đặc biệt trong trường hợp quyết toán không theo định kỳ hàng năm như khi có quyết định phá sản, giải thể, chia, tách, sát nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc giao bán doanh nghiệp.
Vướng mắc 3:
Pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung và thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống nói riêng hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, cần được hoàn thiện từ cơ sở thuế cho đến phương thức đánh thuế. Cơ sở thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống hiện nay còn quá hẹp, trong khi cần phải mở rộng việc đánh thuế đối với nước ngọt và đánh thuế tại khâu lưu thông, bổ sung phương thức đánh thuế theo thuế suất cố định, đánh thuế thông qua tem thuế và miễn thuế đối với trường hợp có doanh thu thấp.

Giải đáp của chuyên gia:
Thứ nhất, nên thay đổi việc đánh thuế chỉ vào khâu sản xuất hoặc khâu nhập khẩu sang việc đánh thuế vào cả khâu lưu thông vì:
i) Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở cả khâu lưu thông sẽ hạn chế hiệu quả hơn việc gian lận về giá qua các khâu trung gian như từng xảy ra đối với một số chủ thể nộp thuế có quy mô lớn. Trong trường hợp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào khâu lưu thông, cho dù các chủ thể nộp thuế thực hiện mua bán lòng vòng qua nhiều khâu, phần giá trị tăng thêm của đồ uống thuộc diện chịu thuế sẽ vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, về lý thuyết, việc gian lận là không thể thực hiện được. Đồng thời, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào khâu lưu thông sẽ đòi hỏi các chủ thể kinh doanh đồ uống thuộc diện chịu thuế có trách nhiệm trong việc đảm bảo hàng hóa đầu vào của mình đã có thuế tiêu thụ đặc biệt.
ii) Về bản chất, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có mục đích hạn chế tiêu dùng, do đó, ngoài sản xuất thì khâu lưu thông chính là điều kiện quan trọng để hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng. Do đó, muốn hạn chế tiêu dùng hiệu quả thì cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở cả khâu lưu thông mới đảm bảo đúng bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt.
iii) Mặc dù quy định hiện hành cũng phần nào hạn chế được tình trạng mua bán giá thấp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở phân phối mà do cơ sở sản xuất đó có quyền chi phối, tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự giám sát khá chặt và thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp có sự “thỏa thuận ngầm” về việc phân chia lợi ích (từ số thuế tiêu thụ đặc biệt tránh được) giữa cơ sở sản xuất với cơ sở thương mại không có quan hệ chi phối, thì cơ quan quản lý nhà nước không dễ dàng xử lý được.
Thứ hai, nên sử dụng phương pháp tính thuế trên doanh thu đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và đánh thuế ở đại lý thu mua, cũng như xác định những trường hợp quy mô nhỏ được miễn thuế. Cụ thể như sau:
i) Trong trường hợp không áp dụng biện pháp thu thuế thông qua tem thì để đảm bảo việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cần quy định rõ việc đánh thuế dựa trên doanh thu và tỷ lệ trên doanh thu.
ii) Có thể xem xét việc quy định các cơ sở thu mua từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ là chủ thể nộp thuế thay cho cơ sở sản xuất, nếu không thực hiện việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở cả khâu lưu thông.
iii) Nên xem xét cân nhắc việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các chủ thể sản xuất có quy mô quá nhỏ, sản xuất ở mức tiêu thụ gia đình không có bản chất kinh doanh rõ ràng.
Thứ ba, cần mở rộng cơ sở thuế để đảm bảo điều tiết hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nhu cầu tăng thu ngân sách nội địa hiện nay.
Thứ tư, nên quy định đa dạng loại thuế suất và có mức thuế suất đồng nhất hơn giữa các loại đồ uống. Hiện nay pháp luật hiện hành chỉ quy định về thuế suất tỷ lệ mà không có thuế suất cố định đã hạn chế khả năng thu thuế cũng như khả năng điều tiết đối với hàng hóa là đồ uống thuộc diện chịu thuế. Do đó, nên sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để cho phép áp dụng thuế suất tuyệt đối với một số loại hàng hóa, trong đó có đồ uống. Thuế suất cố định sẽ là cơ sở để thực hiện việc thu thuế thông qua tem thuế. Ngoài ra, không nên đánh thuế suất quá khác biệt giữa các loại đồ uống có cùng tính chất nhằm đảm bảo hạn chế khả năng tránh thuế.
Thứ năm, nên bổ sung việc thu thuế thông qua phát hành tem thuế để đảm bảo chống thất thu.
Thứ sáu, cần bãi bỏ quy định về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ và miễn thuế cho cơ sở sản xuất nhỏ. Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, tức là người tiêu dùng là người chịu thuế chứ không phải cơ sở kinh doanh. Chính vì vậy, nếu cần ưu đãi thuế thì phải là thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng. Cần quy định trường hợp cơ sở kinh doanh là cá nhân, hộ gia đình có doanh thu thấp (cả năm dưới 100 triệu đồng) thì được miễn thuế, còn lại không nên có quy định về giảm thuế, miễn thuế cho trường hợp khó khăn vì việc đánh giá thế nào là khó khăn và mức độ khó khăn là tương đối mơ hồ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công chức quản lý thuế có thể nhũng nhiễu người nộp thuế hoặc bản thân người nộp thuế lợi dụng quy định để trốn thuế.
                                                                                                              Phạm Nguyệt Hằng

Xem thêm »